Trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2024, đơn vị kiểm toán Moore AISC lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC. Lỗ lũy kế đến hết năm ngoái ghi nhận gần 140 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty bị âm hơn 508 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là gần 623 tỷ đồng. Những yếu tố này làm kiểm toán viên hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động của SMC trong tương lai.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) mới đây, SMC khẳng định họ có cơ sở để hoạt động liên tục. Doanh nghiệp này đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính và dòng tiền. Họ cũng có các biện pháp nhằm tinh gọn, cắt giảm, thanh lý tài sản, các hoạt động không sinh lợi, tăng hiệu quả hơn nữa các hoạt động cốt lõi nhằm cải thiện dòng tiền và hiệu quả công ty trong năm nay.

"Các đoạn nhấn mạnh thể hiện trên báo cáo kiểm toán nhằm tăng cường tính minh bạch, thể hiện sự thận trọng và tuân thủ chuẩn mực kế toán, kiểm toán hiện hành", Tổng giám đốc Đặng Huy Hiệp nêu trong văn bản gửi SSC.

1O0A6716-1024x683-1748401508-7242-1748401682.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=K_eit6KOhfOMuJ6wC0UT5Q

Công nhân đang làm việc tại nhà máy. Ảnh: SMC

Ban lãnh đạo công ty cho biết cuối năm trước, họ cùng NovaGroup và các công ty thành viên (trong đó có Novaland) đã ký kết bảng xác nhận công nợ và cam kết trả nợ. Cụ thể, giá trị công nợ phải thu gần 1.116 tỷ đồng, giá trị tài sản đảm bảo hơn 729 tỷ đồng. Trước đó, SMC đã trích lập dự phòng gần 573 tỷ, sau khi xác nhận với phía Novaland, họ điều chỉnh về hơn 237 tỷ đồng.

Với việc hoàn nhập một phần dự phòng khoản phải thu khó đòi nêu trên, công ty điều chỉnh lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm ngoái từ mức âm gần 270 tỷ sang dương hơn 65 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, SMC cũng thanh lý các khoản đầu tư vào đơn vị khác và tài sản cố định, tạo ra lợi nhuận khoảng 303 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty đã khắc phục được tình trạng thua lỗ sau hai năm 2022-2023.

Năm nay, SMC đề ra kế hoạch tập trung vào 3 mảng kinh doanh cốt lõi gồm thương mại, gia công và sản xuất. Công ty chú trọng đến ổn định dòng tiền, tập trung nguồn vốn vào thương mại và gia công vì có vòng quay vốn nhanh và hiệu quả. Họ chọn thu hẹp hoạt động sản xuất do thời gian quay vòng vốn lưu động dài và chậm hơn.

Ban lãnh đạo cũng tập trung tối ưu hóa tài sản lưu động gồm hàng tồn kho và công nợ, kiểm soát chi phí và tăng hiệu quả sản xuất, tái cấu trúc tài chính. Trong 4 tháng đầu năm, công ty đã bán tài sản trên đất, thanh lý một phần dây chuyền sản xuất và cắt giảm nhân sự dôi dư tại nhà máy ống thép Sendo, chuyển nhượng dây chuyền cán mạ của nhà máy thép SMC Phú Mỹ. Họ cũng sẽ tiếp tục quyết liệt xử lý dứt điểm khoản nợ đọng từ nhóm khách hàng thuộc Novaland và NovaGroup trong năm nay.

SMC tiền thân là cửa hàng Vật liệu Xây dựng số 15 thuộc Trung tâm Bán buôn bán lẻ Vật liệu Xây dựng Miền Nam, thành lập năm 1988. Đầu những năm 2000, công ty là một trong những nhà sản xuất và phân phối thép lớn tại miền Nam và vào nhóm những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE từ năm 2006. Sản phẩm chủ lực là các loại thép xây dựng và các nguyên liệu sản xuất thép.

Doanh thu của SMC vượt mốc 10.000 tỷ đồng từ 2014 đến nay (trừ năm 2016). Lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2016-2021 cũng liên tục giữ mốc trăm tỷ, riêng năm 2021 lập kỷ lục hơn 900 tỷ đồng.

Hồi tháng 2, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo cổ phiếu SMC của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ ba năm liên tục. Theo báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý IV/2024, công ty lỗ lần lượt hơn 223 tỷ và hơn 286 tỷ đồng trong năm 2024. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và 2023 cũng bị âm (ăm 2022, họ lỗ hơn 651 tỷ, 2023 lỗ gần 925 tỷ). Hiện cổ phiếu của họ cũng đang trong diện bị kiểm soát giao dịch.

Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này đang chịu ảnh hưởng lớn khi gánh trên mình nhiều khoản nợ xấu từ các chủ đầu tư bất động sản như Novaland, Hưng Thịnh Incons... Tổng các khoản phải thu khó đòi vào cuối năm 2024 ghi nhận gần 1.293 tỷ đồng. Tuy giảm nhẹ so với năm 2023, công ty phải tăng trích lập dự phòng từ 574 tỷ lên 667 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022