Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao đang diễn ra tại Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gửi tín hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn đóng vai trò bình ổn trong thương mại toàn cầu. Kinh tế thế giới đang bị đe dọa bởi các căng thẳng địa chính trị và biến động tài chính.
"Chúng tôi sẽ xây dựng một trung tâm tăng trưởng năng động hơn, giúp ổn định quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu", ông cho biết. "Trung Quốc phản đối bảo hộ thương mại, các hành động gây gián đoạn cung ứng và muốn đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu vận hành suôn sẻ", ông nói thêm.
Thủ tướng Lý khẳng định một Trung Quốc ổn định và nỗ lực phát triển sẽ là trụ cột cho kinh tế toàn cầu trong thời kỳ bất ổn. "Dù thế giới thay đổi ra sao, chúng tôi vẫn cam kết cải tổ, mở cửa và ủng hộ đột phá sáng tạo. Nó không chỉ tạo ra lực đẩy mới, duy trì sự phát triển của kinh tế toàn cầu, mà còn cho phép các nước chia sẻ cơ hội từ sự phát triển của Trung Quốc", ông nói.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường Tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao. Ảnh: Kyodo
Diễn đàn Bác Ngao được tổ chức hàng năm tại Hải Nam và là nơi Trung Quốc chia sẻ các chính sách kinh tế, ngoại giao với thế giới. Năm nay, diễn đàn này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc giảm sút.
Kinh tế Trung Quốc gần đây tăng trưởng chậm lại, một phần do các vấn đề nội tại nhiều năm qua, như mức nợ cao và lực lượng lao động co lại. Các vấn đề này càng trở nên trầm trọng do chiến dịch siết kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân và chính sách Zero Covid.
Hậu quả là niềm tin doanh nghiệp đi xuống, đầu tư lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ của nước này đã lên hơn 18% tháng trước.
Một khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc cho biết lần đầu tiên trong 25 năm, chưa đầy 50% doanh nghiệp coi Trung Quốc là một trong ba điểm đến đầu tư lớn nhất. AmCham Hong Kong cũng cho biết số doanh nghiệp có kế hoạch rời Trung Quốc trong 3 năm tới tăng mạnh.
Để tăng niềm tin doanh nghiệp, các lãnh đạo kinh tế mới của nước này đã nỗ lực trấn an doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Cuối năm ngoái, họ chấm dứt chính sách Zero Covid. Kể từ đó, Trung Quốc ghi nhận hoạt động tiêu dùng, du lịch tăng vọt. Doanh số bán lẻ 2 tháng đầu năm tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hôm 29/3, trong cuộc họp với Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Lý còn cho biết nước này "tự tin và có khả năng" đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, là quanh 5%.
Hà Thu (theo SCMP, CNN)