Nhận định này được ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nêu tại hội thảo "Phát triển đầu tư, thương mại dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp" ngày 30/3.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành, rộng 21.200 km2, dân số 23 triệu, thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần bình quân cả nước; tổng thu ngân sách gần 33% cả nước. Vùng được chia làm hai tiểu vùng là bắc đồng bằng sông Hồng (cũng là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) và nam đồng bằng sông Hồng.
Theo Bộ trưởng Dũng, giữa hai vùng này đang phát triển không đồng đều và thiếu sự liên kết giữa các địa phương. Không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát, cục bộ.
"Hiện không có cơ chế vùng, chính quyền, ngân sách vùng nên tỉnh nào lo tỉnh đó, nhiệm vụ tỉnh nào tỉnh đó làm", Bộ trưởng Dũng nêu.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo phát triển đầu tư, thương mại, liên kết vùng cho doanh nghiệp, ngày 30/3. Ảnh: Dũng Cấn
Chẳng hạn, Thái Bình - một trong 4 địa phương nằm thuộc tiểu vùng phía nam đồng bằng sông Hồng - có tỷ trọng ngành nông, lâm và thuỷ sản đứng trong top đầu; tăng trưởng công nghiệp - xây dựng đứng thứ hai trong vùng, nhưng quy mô kinh tế lại thấp. Các ngành dịch vụ của tỉnh phát triển chưa nổi bật, thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm dưới.
"Các dự án đầu tư tại Thái Bình vẫn dựa nhiều vào khai thác lợi thế lao động chi phí thấp, chưa thu hút được nhà đầu tư, tập đoàn lớn hàm lượng công nghệ cao", ông Phạm Đắc Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thái Bình nói.
Những hạn chế của Thái Bình, theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng là vấn đề các địa phương tiểu vùng nam đồng bằng sông Hồng gặp phải. Ông Thiên nhận xét, đang có sự phát triển chênh lệch giữa tiểu vùng phía bắc và nam đồng bằng sông Hồng, khi tiểu vùng phía bắc phát triển, thu hút đầu tư tốt hơn, còn phía nam lại trầm lắng.
"Cơ chế chung chưa tạo động lực, liên kết giữa các tiểu vùng, địa phương trong vùng. Nếu cứ từ từ tiến, đi từng bước một thì đồng bằng sông Hồng sẽ khó phát triển", ông nói.
TS Trần Đình Thiên nói thêm, quản trị, cơ chế vùng thế nào bao năm qua vẫn mơ hồ. Nếu không có những thay đổi cơ bản mang tính đột biến, tạo chính sách tốt thì sẽ rất khó để phát triển.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Bình Seed, cho rằng muốn phát triển vùng, trước tiên địa phương phải tháo gỡ vướng mắc, đưa ra chính sách cho doanh nghiệp phát triển.
Ông đề nghị, cần có cơ chế tạo hệ thống giao thông kết nối Thái Bình với các địa phương khác trong tiểu vùng nam sông Hồng và các tỉnh khác để tăng tiêu thụ hàng hoá, nông sản, kết nối ngành hàng của các địa phương.
Để xoá bỏ bài toán "tỉnh nào lo tỉnh đó", thiếu liên kết trong vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, bộ này sắp trình Chính phủ về lập Hội đồng điều phối; lập quỹ riêng của vùng và giao hội đồng vùng điều hành, quyết định đầu tư hạ tầng, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách.
Đây là cơ chế đột phá, theo ông Dũng, sẽ giúp vùng tận dụng khả năng của từng tỉnh, hoàn thiện hạ tầng giao thông làm nền tảng cho liên kết vùng. Ngoài ra, năm nay các địa phương phải hoàn thành quy hoạch địa phương, vùng để làm cơ sở thực hiện chiến lược thu hút đầu tư.
Anh Minh