Châu Âu đã sản sinh ra những nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, họ lại đang bị Trung Quốc bỏ xa trong cuộc đua định hình tương lai của ngành công nghiệp này.

Hiện tại, Trung Quốc là động lực thúc đẩy kinh doanh pin của xe điện – thứ mà các nhà lãnh đạo châu Âu coi là quan trọng với tương lai của ngành ôtô. Tuy nhiên, có lẽ đã quá muộn để các nhà sản xuất châu Âu bắt kịp Trung Quốc.

“Châu Âu có thể chứng kiến làn sóng các nhà sản xuất xe ồ ạt chuyển sang Trung Quốc trong tương lai. Đây là một rủi ro lớn với khu vực này – nơi đặt trụ sở của các công ty như Volkswagen, BMW, Mercedes-Benz và Renault”, Simone Tagliapietra – chuyên gia phân tích về năng lượng tại Fondazione Eni Enrico Mattei cho biết.

Việc đặt nhà máy sản xuất xe điện tại Trung Quốc có ý nghĩa với các doanh nghiệp bởi đây là thị trường lớn nhất và cho phép họ tránh các khoản thuế nhập khẩu phương tiện rất cao. Đồng thời, nó cũng giúp các hãng xe gần với nguồn cung pin cho xe điện – bộ phận chiếm 40% giá thành một chiếc xe.

byd-1987-1540975423.jpg

Bên trong nhà máy sản xuất xe điện của BYD - công ty được Warren Buffett hỗ trợ tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: CNN

Theo hãng tư vấn Wood Mackenzie, Trung Quốc chiếm khoảng hai phần ba công suất sản xuất pin lithium-ion của thế giới. Nó được sử dụng trong hầu hết các loại xe điện.

Châu Âu ước tính chỉ chiếm được khoảng 1% thị phần. “Có một số cơ sở sản xuất nhỏ hơn ở châu Âu nhưng không đáng kể”, Gavin Montgomery – Giám đốc nghiên cứu thị trường kim loại toàn cầu của Wood Mackenzie cho biết.

Trung Quốc đang có lợi thế là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chiếm một nửa doanh thu trên toàn cầu. Các nhà sản xuất quốc tế đang đầu tư mạnh vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.

Năm ngoái, Volkswagen thông báo đổ 12 tỷ USD vào sản xuất xe điện tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Hãng xe điện Mỹ -Tesla đang xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải. Khi hoàn thành, nhà máy này có khả năng xuất xưởng 500.000 xe một năm, lớn hơn nhiều so với nhà máy tại Mỹ chỉ sản xuất được 100.000 chiếc.

Thậm chí, các công ty sản xuất pin mới của châu Âu cũng đang chọn đầu tư vào Trung Quốc thay vì sân nhà. Lithium Werks – công ty có trụ sở tại Hà Lan đã có hai nhà máy tại Trung Quốc. Hồi đầu tháng, công ty thông báo đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải trị giá 1,8 tỷ USD cùng một đối tác địa phương.

Cơ sở này có thể cung cấp lượng pin cho 160.000 xe điện một năm. Chủ tịch Lithium Werks - Kees Koolen cho biết, công ty đang đầu tư vào Trung Quốc vì cơ sở hạ tầng tốt hơn và việc xin giấy phép xây dựng nhà máy cũng dễ hơn.

Theo vị này, chính phủ Trung Quốc có một “tầm nhìn dài hạn” cho ngành công nghiệp này, trong khi châu Âu thì không. Trung Quốc đặt ra các mục tiêu sản xuất xe điện và các chính sách khuyến khích người mua, giúp ngành công nghiệp này bùng nổ.

Hiện tại, châu Âu đang cố gắng thay đổi tình hình. Ủy ban châu Âu (EC) vừa tung ra một kế hoạch nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào công nghệ pin, bao gồm cung cấp thêm vốn. EC cũng cảnh báo các doanh nghiệp châu Âu có nguy cơ đánh mất sự ảnh hưởng với nguồn cung và tiêu chuẩn môi trường nếu họ không có được chỗ đứng trong ngành pin điện.

CATL- một công ty của Trung Quốc là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất pin điện. Các đối thủ hàng đầu của CATL bao gồm Panasonic (Nhật Bản) và Samsung SDI (Hàn Quốc). Hiện Panasonic cũng đang hợp tác với Tesla để sản xuất pin và xây dựng một nhà máy khổng lổ ở Nevada (Mỹ) để tăng quy mô sản xuất.

nha-may-6467-1540975423.jpg

Tổ hợp sản xuất pin điện của CATL ở Ninh Đức, Trung Quốc. Ảnh: CNN

Giới phân tích nhận định, lý do hàng đầu khiến châu Âu thất bại trong lĩnh vực pin đện là các hãng xe chậm phát triển xe điện. “Họ không làm vì không thích chúng. Gần đây, nhiều hãng xe lớn vẫn tập trung phát triển xe chạy xăng”, Viktor Irle – đồng sáng lập hãng nghiên cứu EV-Volumes nói.

Trong khi đó, ngành công nghiệp xe điện tại Trung Quốc phát triển nhanh như nấm nhờ các công ty như BYD – được Warren Buffett hỗ trợ hay Geely. Quốc gia này có nhiều hãng sản xuất xe điện đến mức một số chuyên gia đang cảnh báo nguy cơ thừa nguồn cung.

Tuy nhiên, châu Âu cũng cho thấy một số tiến triển. Nhà sản xuất pin điện Northvolt của Thụy Điển cam kết xây dựng nhà máy pin lithium-ion lớn nhất châu Âu trong vòng 6 năm tới. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đang nghi ngờ dự án này gặp vấn đề tài chính.

Ngoài ra, kế hoạch của châu Âu có thể đối mặt với nhiều khó khăn khác. Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã siết chặt các nguyên liệu chính để sản xuất pin điện như lithium và cobalt.

“Đã quá muộn để các doanh nghiệp châu Âu thành lập cơ sở sản xuất pin lithium – ion quy mô lớn. Họ đã lỡ tàu”, Irle nhận định.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, cơ hội cuối cùng cho châu Âu là hành động giống như cách Airbus đã làm trong lĩnh vực hàng không. Nhà sản xuất máy này đã sáp nhập một loạt công ty và hiện trở thành đối thủ lớn nhất của Boeing.

 Tú Anh (theo CNN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022