Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FPI) vào Việt Nam - một phần quan trọng trong trụ cột vốn đầu tư toàn xã hội - đều đang có những tín hiệu triển vọng khác nhau.

Đầu tiên là kênh trực tiếp. Năm ngoái, tổng vốn FDI giải ngân tại Việt Nam đạt 22,4 tỷ USD (tăng 13,5%). Con số này chiếm đến 34% vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện (gần 1,6 triệu tỷ đồng, tương đương 66,5 tỷ USD) và chiếm 9,5% GDP. Nhiều năm qua, khu vực FDI đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Sang 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã có những tín hiệu sáng tối đan xen đầu năm. Tính đến 20/1, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và bổ sung đạt gần 1,69 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, nếu tính riêng số vốn đầu tư mới lại tăng mạnh về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Với mức tăng 48,5% về số dự án, trong đó một số dự án lớn hàng trăm triệu USD, tổng vốn đăng ký mới tháng qua tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD. Cùng với đó, số dự án điều chỉnh vốn cũng tăng hai con số. Do đó, Bộ này đánh giá Việt Nam vẫn tiếp tục được nước ngoài tin tưởng và mở rộng dự án.

Tương tự, theo HSBC, có 1,2 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới tháng qua là khả quan. "Bất chấp chu kỳ đi xuống của công nghệ toàn cầu trong ngắn hạn, các công ty công nghệ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam", nhà băng này đánh giá.

Dự án phát triển mới nhất đến từ nhà sản xuất màn hình của Trung Quốc BOE - nhà cung cấp màn hình cho cả Apple lẫn Samsung - có kế hoạch đầu tư tới 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy, là ví dụ.

Một điểm nhấn khác trong dòng vốn FDI năm nay là tiền đổ vào ngành bất động sản. "Ẩn số" này không chỉ quyết định lưu lượng tổng nguồn cung vốn ngoại mà còn mang đến hy vọng phần nào phục hồi cho ngành này.

Thực tế, năm ngoái, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong danh sách 19 ngành thu hút vốn FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, theo Cục Đầu tư nước ngoài.

Trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất để đối phó lạm phát, mặc dù tốc độ tăng năm nay dự kiến chậm hơn. Lạm phát dai dẳng - ngoài việc khiến giá cả hàng hóa tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và cản trở sự phục hồi của nhu cầu nội địa - còn làm các đồng tiền châu Á suy yếu so với USD.

Theo Colliers, điều này làm giảm giá bất động sản trong khu vực khi tính theo USD, từ đó có thể thúc đẩy các giao dịch đang đình trệ. Kết hợp với những thách thức kinh tế hiện hữu ở Âu, Mỹ, thị trường châu Á - Thái Bình Dương trở thành kênh trú ẩn tương đối an toàn cho các khoản đầu tư bất động sản.

Vì thế, công ty quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp ngành bất động sản trụ sở tại Canada này dự báo các thị trường bất động sản châu Á sẽ bắt đầu ổn định từ giữa năm 2023 khi tình hình lãi suất chắc chắn hơn.

Trong đó, Việt Nam vẫn là "quốc gia an toàn để đầu tư" trước bối cảnh bất ổn toàn cầu do đại dịch, xung đột địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng và những thách thức kinh tế.

"Thị trường vẫn có một lượng vốn lớn đang chờ đợi cơ hội đầu tư. Bất động sản văn phòng, công nghiệp và hậu cần sẽ được quan tâm nhất tại Việt Nam trong năm nay", ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định.

Một số tài sản khác cũng nằm trong tầm ngắm là nhà ở và căn hộ dịch vụ phục vụ nhu cầu ở thực của người lao động, chuyên gia, nhân sự nước ngoài; và bất động sản nghỉ dưỡng khi Việt Nam đang nỗ lực phục hồi du lịch.

Dẫu vậy, nhìn chung đà thu hẹp quy mô dòng vốn FDI khả năng vẫn khó tránh những tháng đầu năm nay. Nó là ảnh hưởng tất yếu của diễn biến thế giới từ năm ngoái và vẫn tiếp diễn đến hiện tại gồm: căng thẳng địa chính trị, áp lực lạm phát, nhu cầu toàn cầu giảm, nguy cơ suy thoái, điều kiện tài chính thắt chặt...Tất cả sự kiện này đều gây áp lực giảm đối với việc mở rộng kinh doanh trên toàn cầu.

"Chúng tôi tin rằng những vấn đề đó có thể được cải thiện từ nửa cuối năm 2023 trở đi, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam", theo nhóm phân tích của ACBS.

dji-0365-jpg-1675766702-8005-1675766933.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=O0K2Uw_HsvJ7kystja_gYQ

Một góc khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Trong khi đó, vốn đi theo đường FPI - đơn cử như qua thị trường chứng khoán - sẽ khả quan đầu năm nhưng có thể khó lường sắp tới.

Theo thống kê của SSI, trong tháng 1, các quỹ ETF tiếp tục duy trì dòng tiền tích cực và là tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận dòng vốn đạt trên 3.000 tỷ đồng. Với các quỹ chủ động, quán tính dòng tiền vào ròng trong tháng qua cũng tiếp tục được duy trì, với tổng giá trị hơn 1.700 tỷ đồng.

Con số này dù thấp hơn so với mức giải ngân lịch sử vào tháng 12 nhưng nhìn chung vẫn tương đối ổn. Trên thị trường chứng khoán, tổng cộng tháng qua khối ngoại mua ròng 4.200 tỷ đồng với dòng vốn tiếp tục quán tính tích cực. Tuy nhiên, xét về ngắn hạn, SSI duy trì quan điểm về trung lập đối với dòng vốn sau một thời gian giải ngân liên tục.

"Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức từ tình hình vĩ mô trong nước và cũng không thể loại trừ việc dòng tiền chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc khiến cho dòng vốn vào các nước lân cận yếu dần", công ty nhận định.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022