Theo công ty tình báo dữ liệu Kpler, Ấn Độ đã chuyển khoảng 89.000 thùng xăng và dầu diesel mỗi ngày đến New York vào tháng trước, mức cao nhất trong gần bốn năm. Lưu lượng dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp đưa đến châu Âu hàng ngày ở mức 172.000 thùng trong tháng 1, nhiều nhất kể từ tháng 10/2021.

Giới chuyên gia cho rằng tầm quan trọng của quốc gia châu Á này dự kiến còn tăng lên, sau khi gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga có hiệu lực từ hôm 5/2.

screenshot-2023-02-06-at-6-44-4948-8028-1675685110.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qZGeENLSFgqM2rTx-UalTg

Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu của Ấn Độ (nghìn thùng mỗi ngày) đến châu Âu (màu đen) và Mỹ (màu xanh). Đồ họa: Bloomberg

Lệnh cấm sẽ loại bỏ một lượng lớn dầu diesel Nga ra khỏi thị trường. Hệ quả, nhiều người mua - đặc biệt là ở châu Âu - sẽ tìm đến nhà cung cấp khác ở châu Á để lấp đầy khoảng trống nguồn cung. Và đó là cơ hội cho Ấn Độ.

Giới quan sát dự báo dầu giá rẻ của Nga trở nên hấp dẫn hơn đối với Ấn Độ, quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng khoảng 85% nhu cầu dầu thô của mình. Các nhà máy lọc dầu của nước này - bao gồm các nhà máy chế biến do nhà nước điều hành chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu trong nước - đã đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ năm ngoái để thu lợi từ giá quốc tế cao hơn.

Dù vậy, New Delhi ít phải đối mặt với phản ứng của phương Tây. Ben Cahill, thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho biết Bộ Tài chính Mỹ có hai mục tiêu chính là giữ cho thị trường được cung cấp đầy đủ và cắt bớt nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.

"Họ biết rằng các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc có thể kiếm được lợi nhuận lớn hơn bằng cách mua dầu thô giảm giá của Nga và xuất khẩu các sản phẩm tinh chế theo giá thị trường. Nhưng họ thấy ổn với điều đó", Ben Cahill nói.

Với vòng trừng phạt mới của châu Âu, Ấn Độ được cho là sẽ có vai trò trung tâm hơn trong bản đồ dầu mỏ toàn cầu, đã được vẽ lại bởi xung đột kéo dài ở Ukraine.

Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING Groep có trụ sở tại Singapore, cho biết Ấn Độ là nước xuất khẩu ròng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Phần lớn trong số này được chuyển đến phương Tây để giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung hiện tại. "Rõ ràng là một phần ngày càng tăng của nguyên liệu được sử dụng cho sản phẩm tinh chế có nguồn gốc từ Nga", chuyên gia này nói.

Với quy định hiện hành của EU, việc mua dầu thô của Nga rồi tinh chế và bán lại cho khối này là hợp lệ. Cụ thể, khi dầu thô của Nga được chế biến thành nhiên liệu ở một quốc gia bên ngoài khối như Ấn Độ, các sản phẩm tinh chế có thể được chuyển đến EU vì chúng không được coi là có nguồn gốc từ Nga.

Serena Huang, nhà phân tích hàng đầu về châu Á tại Vortexa, cho biết G7 muốn cắt giảm doanh thu của Moskva càng nhiều càng tốt, nhưng họ cũng quan tâm đến việc đảm bảo rằng dầu và các sản phẩm tinh chế tiếp tục được lưu thông để tránh khủng hoảng nguồn cung toàn cầu.

Theo ý tưởng khởi xướng bởi Mỹ, khía cạnh quan trọng trong cách hạn chế doanh thu của Điện Kremlin mà thị trường vẫn có dầu Nga là áp giá trần (60 USD mỗi thùng với dầu thô và 100 USD mỗi thùng với các sản phẩm tinh chế).

screenshot-2023-02-06-at-6-47-2461-9902-1675685110.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yBFo1S1s5e1Dl0UHbtJgsA

Diễn biến giá dầu (USD mỗi thùng) Brent (màu đen) và giá FOB của dầu Urals xuất từ cảng Primorsk của Nga (màu xanh) trong một năm qua. Đồ họa: Bloomberg

Ấn Độ chưa công khai cho biết liệu quốc gia này có tuân thủ hay không động thái áp giá trần, nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây cho đến nay cũng đã khiến dầu Nga có giá dưới mức trần 60 USD mỗi thùng, theo Bloomberg.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng Ấn Độ có thể tận dụng quy định giá trần để giữ cho thị trường năng lượng ổn định, đồng thời hạn chế doanh thu của Điện Kremlin.

"Việc Ấn Độ sẵn sàng mua thêm dầu thô của Nga với mức chiết khấu cao hơn là một đặc điểm chứ không phải lỗ hổng trong kế hoạch của phương Tây. Động thái này nhằm gây thiệt hại kinh tế cho chính quyền ông Putin mà không gây ra thiệt hại cho phương Tây", Jason Bordoff, Nguyên cố vấn chính quyền Obama, Giám đốc sáng lập Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, nhận định.

Phiên An (theo Bloomberg)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022