Báo cáo của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) trụ sở tại New York (Mỹ) cũng cho biết, tính từ khi xung đột Ukraine nổ ra, nhu cầu khí đốt ở châu Âu đã giảm 20%. Tiêu thụ giảm chủ yếu ở Đức, Italy và Anh.
Ana Maria Jaller-Makarewicz, chuyên gia phân tích năng lượng khu vực châu Âu tại IEEFA, cho biết hệ thống năng lượng khu vực này đã đa dạng và linh hoạt hơn sau 2 năm xung đột.
Cụ thể, vào 2021, 41% lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đến từ đường ống của Nga, 40% từ các đường ống khác và 19% là khí hóa lỏng (LNG). Nhưng năm ngoái, 41% lượng khí đốt nhập vào là nguồn LNG.
Tiêu thụ khí đốt của toàn châu Âu (tỷ m3). Trong đó, Liên minh châu Âu (xanh đậm), Anh (xanh nhạt), Thổ Nhĩ Kỳ (vàng), Na Uy (cam). Nguồn: IEEFA
"Khủng hoảng năng lượng đã trong tầm kiểm soát nhất định. Các biện pháp hiệu quả được tăng cường và việc triển khai năng lượng tái tạo, bơm nhiệt diễn ra nhanh chóng, tạo điều kiện cho lục địa này giảm nhu cầu khí đốt", bà Ana lý giải. IEEFA dự báo, nếu duy trì các chính sách và chương trình hiện hành, nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ giảm xuống dưới 400 tỷ m3 vào năm 2030.
Hai năm qua, nhằm nhanh chóng giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, châu Âu đã đẩy mạnh xây dựng các kho cảng LNG. 8 kho cảng nhập khẩu LNG đi vào hoạt động kể từ tháng 2/2022, bổ sung thêm 53,5 tỷ m3 công suất tái hóa khí mới. 13 dự án khác sẽ vận hành vào 2030, đưa công suất nhập khẩu LNG tăng 3 lần hiện tại, vượt nhu cầu của khối vào cuối thập kỷ này.
Cơ cấu các nguồn cung LNG cho châu Âu. Nguồn: IEEFA
Sau khi nâng cao năng lực nhập LNG, châu Âu mua hàng từ 3 nguồn chính là Mỹ, Qatar và Nga. Trong đó, Mỹ cung cấp hơn 45% lượng LNG nhập khẩu năm ngoái cho lục địa này. "Sau khi mạo hiểm an ninh năng lượng do phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn, châu Âu phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ và tránh trở nên phụ thuộc quá mức vào Mỹ, quốc gia cung cấp gần một nửa lượng nhập khẩu LNG vào năm ngoái", bà Ana nêu.
Ngoài ra, thành công của châu Âu trong việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga trái ngược với xuất khẩu LNG từ nước này ngày càng tăng. Giai đoạn 2021-2023, lượng LNG của Nga xuất khẩu sang châu Âu đã tăng 11%, với lượng đến Tây Ban Nha tăng gấp đôi và Bỉ hơn gấp ba. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp bắt đầu nhập khẩu LNG Nga vào 2022. Vào 2023, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ đã chiếm 80% tổng lượng LNG nhập khẩu từ Nga của châu Âu.
Phiên An