Chia sẻ tại cuộc họp sáng 24/12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho hay, năm nay sẽ tiếp tục không in mới tiền lẻ dịp Tết Tân sửu. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là hạn chế và tiết kiệm chi phí đối với vấn đề này.
Như mọi năm, cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ (dưới 10.000 đồng), gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước Tết nguyên đán.
Từ năm 2013 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) vào lưu thông. Theo tính toán của cơ quan này, việc không phát hành tiền mới in vào dịp tết, đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ đồng nhờ chi phí in, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm...
5-6 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với Bộ Văn hoá và Bộ Thông tin truyền thông để tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân về vấn đề dùng tiền lẻ mới đi lễ chùa dịp Tết. Đây là tập quán và thói quen của người dân Việt Nam, tuy nhiên ông cho rằng đến lúc nhận thức người dân cũng cần thay đổi.
Tại cuộc họp, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nên dư nợ năm nay tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm trước và dự kiến đạt 11% đến hết năm.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước dự kiến lấy con số tăng trưởng tín dụng 12% là định hướng mục tiêu cho ngành ngân hàng, cũng có thể nới lên 13-14%. Đây không phải là chỉ tiêu pháp lệnh hay bắt buộc nhưng là chỉ tiêu định hướng để điều hành chính sách tiền tệ.
Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ tại họp báo sáng 24/12. Ảnh: Quỳnh Trang.
Về xu hướng lãi suất, nếu nền kinh tế ổn định, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, lạm phát ở mức hợp lý, kinh tế tăng trưởng thì ông Tú cho rằng lãi suất thấp ở mức này duy trì càng lâu càng tốt, và xu hướng nếu được có thể giảm thêm.
Việc điều chỉnh lãi suất điều hành trong thời gian tới phải phụ thuộc vào các biến số nền kinh tế. "Ngay đầu năm, chúng tôi cũng không nghĩ tới việc giảm lãi suất điều hành tới ba lần, nhưng thời điểm và điều kiện cho phép là làm ngay để quyết liệt đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp", ông Tú chia sẻ.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu hạn trả nợ cho khách hàng với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi suất trên số dư nợ 1 triệu tỷ đồng. Tới cuối tháng 10, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là tất yếu trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch.
Quỳnh Trang