Mới đây, Nghị quyết 24 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ chính trị ban hành, chủ trương hình thành "Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ" tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nói: "Việc hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là cơ chế ưu đãi dành riêng cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mà là cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ. Dự án sẽ tạo ra công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới".
Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, địa phương đã cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Địa phương tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích gần 1.700ha, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như xúc tiến lập đề án nghiên cứu khả thi thành lập khu thương mại tự do Cái Mép Hạ; thúc đẩy các dự án kết nối giao thông...
Tàu cập cụm cảng Cái Mép - Thị Vải bốc dỡ hàng hóa. Ảnh: Mạnh Khá
Cùng với đó, địa phương xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đầu tư vào khu thương mại tự do, tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột của địa phương như công nghiệp công nghệ cao, cảng biển -logicstic, du lịch thương mại, công nghệ - tài chính, kinh tế số...
Trong quá trình lập đề án nghiên cứu khả thi, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ mời các nhà thầu có uy tín trên thế giới để thiết lập các lộ trình, định hướng phát triển đầu tư, sinh lời rõ ràng để các nhà đầu tư lớn trên thế giới tin tưởng, lựa chọn Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là địa điểm ưu tiên cho các dự án đầu tư của họ.
Địa phương sẽ xây dựng hệ thống chính sách phát triển đồng bộ, cạnh tranh và hiệu quả, đặt trong mối quan hệ tổng thể gồm: tạo công ăn việc làm, thu hút vốn FDI, thu hút ngoại tệ và tạo giá trị gia tăng cao; đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của cách doanh nghiệp hoạt động trong Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ.
Đường 911B khu vực Cái Mép - Thị Vải đang được xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống đường liên cảng. Ảnh: Trường Hà
Nằm trên trục đường xuyên Á, Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu hệ thống cảng nước sâu xếp vào loại đặc biệt của quốc gia, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải hơn 250.000 tấn. Địa phương có 50 dự án cảng hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD và công suất 252 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Nổi bật trong số đó, cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải là một trong 20 cảng lớn nhất thế giới, có thể đón những tàu hàng lớn nhất hành tinh đến bốc dỡ hàng hóa. Đây cũng là cụm cảng duy nhất ở miền Nam có những chuyến tàu chở hàng thẳng đến Châu Âu, Châu Mỹ.
Hàng container ở Cảng Gemalink. Ảnh: Trường Hà
Trong những năm qua, cùng với việc đầu tư hoàn thành hệ thống đường liên cảng, các dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu; Vành đai 4, đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu...sẽ hình thành hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa cụm cảng Cái Mép – Thị Vải với Trung tâm logistics Cái Mép Hạ đến sân bay Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, các khu công nghiệp, đô thị trong vùng Đông Nam Bộ; đồng thời kết nối Đông Nam Bộ với các vùng khác trên cả nước, với các quốc gia trong hành lang kinh tế xuyên Á...
Trường Hà