Hồi tháng 9, giá USD lên cao nhất 20 năm khi tăng 20% so với rổ tiền tệ lớn. Mức tăng này hiện chỉ còn nửa, do nhà đầu tư đánh cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ nâng lãi suất - đây vốn là nguyên nhân chủ yếu khiến USD tăng giá.
Dù lãi suất tăng là chất xúc tác chính đằng sau đà tăng của USD, các yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kéo USD lên. Nhà đầu tư đổ xô mua USD - lựa chọn phổ biến trong thời kỳ bất ổn - để trú ẩn trước biến động thị trường do lạm phát toàn cầu tăng vọt, giá năng lượng lên cao và xung đột Nga - Ukraine.
Một nguyên nhân khác là kinh tế Mỹ mạnh hơn nếu so với châu Âu đang vật lộn với khủng hoảng năng lượng và Trung Quốc bị kìm hãm bởi chính sách Zero Covid.
Diễn biến của Dollar Index - đo sức mạnh của USD với rổ tiền tệ lớn - năm nay. Đồ thị: Reuters
Kể cả sau khi đà tăng đã giảm phần nào, USD cũng vẫn đang hướng tới năm tăng giá mạnh nhất kể từ 2014. Các giám đốc quỹ trong khảo sát của BoFA Global Research cho biết USD là giao dịch sôi động nhất thị trường 5 tháng liên tiếp, tính đến hết tháng 11. Rất nhiều người tham gia khảo sát cho rằng USD đang bị định giá quá cao.
Khảo sát khác của Reuters với 66 chiến lược gia ngoại hối cho thấy USD có thể sẽ vẫn giao dịch ở mức hiện tại trong một năm tới. Nhiều người dự báo việc các ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách sẽ khiến tăng trưởng càng chịu tác động, từ đó lại kéo nhu cầu mua USD để trú ẩn lên cao.
Nắm bắt được diễn biến của USD là chìa khóa với các nhà đầu tư. Do USD tác động đến mọi thứ, từ lợi nhuận doanh nghiệp đến giá nguyên liệu thô như vàng hay dầu.
USD mạnh khiến hàng xuất khẩu Mỹ kém cạnh tranh trên toàn cầu. Nó cũng khiến lợi nhuận của các công ty đa quốc gia Mỹ sụt giảm khi đổi ngoại tệ sang USD. Bank of America cho biết trong chỉ số S&P 500, các doanh nghiệp công nghệ và vật liệu chịu tác động mạnh nhất.
Nike, IBM và Meta Platforms là ba trong số các công ty đã cảnh báo việc kinh doanh chịu tác động từ đồng USD mạnh năm nay. Sức tăng của USD đã khiến lợi nhuận các công ty trong chỉ số S&P 500 giảm 8%, theo Tom Lee - Giám đốc Nghiên cứu tại Fundstrat Global Advisors.
Còn với phần còn lại của thế giới, USD mạnh gây sức ép lên giá dầu và giá các hàng hóa khác niêm yết bằng USD, do nó khiến các sản phẩm này đắt đỏ hơn với người mua nước ngoài. Các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài vay tiền bằng USD cũng sẽ tốn kém hơn khi trả nợ.
Và dù USD mạnh có thể kiềm chế lạm phát Mỹ, nó cũng khiến tiền tệ các nước khác đi xuống, làm trầm trọng hơn vấn đề lạm phát trên toàn cầu. Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính USD cứ tăng giá 10%, lạm phát toàn cầu sẽ tăng 1%.
Dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy tâm lý của Wall Street với USD có thể đang thay đổi. Các số liệu chỉ ra giá tiêu dùng tháng 10 giảm ít hơn dự báo góp phần khiến USD giảm 5% so với rổ tiền tệ lớn tháng 11. Đây là mức giảm mạnh nhất của USD kể từ năm 2010.
Việc đà giảm của USD có thể duy trì hay không có thể còn tùy thuộc vào khả năng kiềm chế lạm phát của Fed. Tuần trước, lạm phát tháng 11 của Mỹ hạ nhiệt, khi CPI chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ 7,7% tháng 10. Việc này khiến Fed hôm 14/12 cũng giảm tốc nâng lãi suất so với các lần trước, với 50 điểm cơ bản (0,5%).
Trong dài hạn, các lo ngại về kinh tế có thể là yếu tố thúc đẩy hướng đi của USD. Gần 80% chiến lược gia được Reuters khảo sát cho biết chính sách tiền tệ sẽ ít có khả năng kéo USD lên cao trong năm tới.
Hà Thu (theo Reuters)