Lời kêu gọi này được ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nêu trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tại khu du lịch Laguna Lăng Cô ở xã Lộc Vĩnh.
"Tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, chuyên nghiệp để hấp dẫn các nhà đầu tư", ông Phương nói.
Theo ông Phương, việc phát triển cảng Chân Mây, nhất là thu hút các hãng tàu container cập bến là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh và khu vực miền Trung. Hiện tỉnh này đã ban hành nghị quyết về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
Tàu hàng nước ngoài nhận hàng ở cảng Chân Mây sáng 8/10. Ảnh: Võ Thạnh
Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910 m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5-6 triệu tấn một năm. Các tuyến đường giao thông kết nối đến cảng này cũng đã được đầu tư hoàn thiện.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I. Trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho một số nước...
Hiện nay, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 đạt khoảng 4 - 4,5 triệu tấn.
Võ Thạnh