Thông tin trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại buổi làm việc với 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 5/2.

Cuối tháng 1, Bộ Công Thương kiến nghị tăng giá điện trong năm nay để giảm bớt khó khăn cho EVN khi tập đoàn này vẫn ghi nhận lỗ 17.000 tỷ đồng năm ngoái và chi phí đầu vào sản xuất điện (than, dầu, khí) biến động.

Tại hội nghị hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện "phù hợp thị trường, không giật cục, nóng vội".

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần thay giá là 6 tháng nếu các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Năm ngoái, giá điện tăng tổng cộng 7,5%, sau hai lần được điều chỉnh vào tháng 5 và 11.

Với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể vào tháng 5 năm nay. Việc này, theo Bộ Công Thương, nhằm phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp EVN có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Pham-Minh-Chinh-4-2-9905-1707123223.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zUayFQSrYKfUdrep6p-PhQ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với 19 tập đoàn, tổng công ty, ngày 5/2. Ảnh: VGP

Ngoài điều hành giá, Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được để thiếu điện thời gian tới. Ông giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm bảo đủ dầu, khí và than cho sản xuất điện theo kế hoạch.

Bên cạnh phương án về nguồn, việc đẩy nhanh thi công và đưa đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối vận hành trong tháng 6 năm nay cũng góp phần đảm bảo đủ điện trong 2024. Ước tính khi đường dây này vận hành sẽ tăng cung ứng cho miền Bắc thêm khoảng 2.000 MW.

hop-19-tap-doan-6234-1707123223.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IlfZxFQ9jRWXMkrmFyIUKg

Thủ tướng Phạm Minh Chính họp với 19 tập đoàn, torong công ty, ngày 5/2. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năm ngoái lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty (không gồm EVN) khoảng 53.256 tỷ đồng. Tổng tài sản công ty mẹ của các "ông lớn" đạt gần 1,62 triệu tỷ đồng, doanh thu xấp xỉ 1,14 triệu tỷ.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, nhiều dự án lớn về hạ tầng, năng lượng, giao thông được các tập đoàn hoàn thành năm ngoái, như cao tốc Bến Lức - Long Thành; kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn; dự án thành phần 3 - sân bay Long Thành giai đoạn 1... Một số doanh nghiệp sau nhiều năm thua lỗ, đã có lãi trở lại, như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hay Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch.

Ghi nhận nỗ lực của các tập đoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói vẫn còn hạn chế cần khắc phục, như đóng góp của các tổng công ty cho tăng trưởng GDP chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ, hiệu quả đầu tư kinh doanh chưa cao.

"Các tập đoàn, tổng công ty cần tái cơ cấu để phát triển, làm ăn có lãi trong 2024 và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng, ngân sách", Thủ tướng nêu.

Ông yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định, nhằm tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp về pháp lý trong lĩnh vực giá, môi trường, đất đai... "Tinh thần là không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu và cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn", Thủ tướng chốt lại.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022