Tại cuộc làm việc chiều tối 9/2, Thủ tướng đánh giá các ngành công nghiệp nền tảng như thép, hóa chất giúp Việt Nam không bị động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

"Không thể không phát triển ngành thép và phải theo hướng số hóa, tự động hóa", ông nói, cho rằng các doanh nghiệp như Hòa Phát sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn về mặt chiến lược.

Thủ tướng đề nghị Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị trong thời gian tới.

"Hòa Phát đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, giá cả", Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết. Ngoài dự án này, theo ông Long, họ cũng có thể sản xuất các loại thép chất lượng cao cho các dự án trọng điểm quốc gia, xuất khẩu.

Về phía địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết tỉnh này đã chuẩn bị 143 ha đất để Hòa Phát sản xuất thép chất lượng cao phục vụ đường sắt tốc độ cao.

img7312-1739109127749385387974-2700-8944-1739147913.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dfM_ZAsYX-I2kG7GmfIQwg

Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân, người lao động tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, ngày 9/2. Ảnh: VGP

Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam, trong Top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới. Tập đoàn đã xuất khẩu thép tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Họ có 8 dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư ở Khu kinh tế Dung Quất, gồm hai khu liên hợp sản xuất gang thép 1 và 2 với tổng vốn đầu tư hơn 171.000 tỷ đồng.

Lợi thế của khu liên hợp là có cảng biển nước sâu cho phép tàu đón 200.000 tấn cập bến, dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm đi các thị trường trong, ngoài nước. Trong đó, khu liên hợp thứ nhất có công suất 6 triệu tấn thép đã hoạt động. Còn khu thứ hai sẽ vận hành năm nay với quy mô 280 ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao một năm.

Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư hồi cuối tháng 11/2024. Tuyến đường dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành. Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư sơ bộ 1,713 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD).

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ cần khoảng 62.000 thanh (thiết kế đường đôi, gồm 4 thanh song song), chiều dài 100 m. Hiện, dung lượng thị trường thép ray tại Việt Nam là khoảng dưới 1.000 thanh có chiều dài 12,5 - 25 m để thay thế bảo trì tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu.

Dự kiến, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ thực hiện trong 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào 2035. Do đó, giới chuyên môn nhìn nhận các doanh nghiệp trong nước cần đẩy tiến độ chuẩn bị, chuyển giao công nghệ, sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Việt Nam dự định làm đường sắt tốc độ cao bằng nguồn ngân sách và ít chịu ràng buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài. Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, nhà thầu nước ngoài muốn tham gia phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là sử dụng dịch vụ hàng hóa sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia với giá trị xây dựng lên tới 34 tỷ USD.

Trước đó, làm việc với Thaco hôm 8/2 tại Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam), Thủ tướng cũng đề nghị tập đoàn này tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu, đầu máy đường sắt tốc độ cao.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá với năng lực, trình độ ở trong nước hiện nay, nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ công nghiệp xây dựng, vận hành, bảo trì và từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022