Một can nước rửa chén 3,8 lít của Fuwa Biotech có giá 335.000 đồng, đắt hơn các sản phẩm thông thường cùng dung tích 2-3 lần. Nguyên nhân do nước rửa chén của công ty này được làm bằng enzyme sinh học từ vỏ dứa.

Theo công ty, công nghệ này thân thiện, giúp người tiêu dùng bớt lo ngại về mức độ an toàn của hóa chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, ông Võ Văn Luật, Quản lý phía Nam của Fuwa Biotech thừa nhận giá cao đang là thách thức.

"Giá của sản phẩm thân thiện môi trường vẫn còn là rào cản trong việc mở rộng thị trường", ông Luật nhận định tại buổi họp báo Diễn đàn Chuyển đổi Xanh & Ngày hội Tái chế 2025 do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tuần qua.

msdien-1753295288-1753295313-1-1416-2603-1753295740.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qFcsOjnvhsr8paSDSmKNxw

Bà Nguyễn Bích Diền, Phó tổng giám đốc Faslink tại sự kiện chiều 23/7. Ảnh: BSA

Đồng tình, bà Nguyễn Bích Diền, Phó tổng giám đốc Faslink, nói người tiêu dùng vẫn quan tâm về giá nhiều hơn là nguồn gốc tái chế. Gần đây, Faslink tung ra thị trường loại vải sản xuất từ sợi lá quả dứa. Dòng sản phẩm này vẫn có giá thành cao do chi phí lớn để nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất.

"Khách hàng hiện quan tâm rất nhiều về giá trong khi các giải pháp công nghệ chuyển đổi xanh như vải sợi dứa chưa thể tiệm cận được với giá của các sản phẩm truyền thống như polyester hay cotton", bà Diền nói.

Theo khảo sát gần đây của Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, người tiêu dùng Việt Nam xem "tiêu dùng xanh" là mua dùng sản phẩm thân thiện môi trường, có nguồn gốc tự nhiên hay được sản xuất bởi quy trình bền vững.

Mức độ quan tâm của họ ngày càng cao, với người được hỏi cho biết ủng hộ tiêu dùng xanh và mua sắm các sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên hay tái chế từ 4 điểm trở lên, theo thang điểm 1 đến 5 với 5 là "rất ưu tiên". Tuy nhiên, giá thành cũng thuộc top 5 tiêu chí khi lựa chọn sản phẩm, chiếm 44% quan tâm.

Ngoài giá cả, doanh nghiệp theo sản xuất xanh cho biết còn gặp khó trong các khâu như đầu vào hay thiếu một hệ sinh thái có tính liên kết cao. Ví dụ, Duy Tân Recycling là công ty chuyên thu gom và tái chế chai nhựa đã qua sử dụng để sản xuất thành chai nhựa mới đạt tiêu chuẩn thực phẩm.

Trưởng phòng Phát triển bền vững Lê Viết Đông Hiếu cho biết thách thức lớn nhất là chất lượng nguyên liệu đầu vào vì các chai nhựa thu gom thường rất bẩn. Vì vậy, cần thiết phải phân loại rác tại nguồn đúng cách.

"Khi người tiêu dùng có ý thức phân loại, nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp sẽ sạch và đồng nhất hơn. Nhờ đó, chi phí xử lý, sản xuất được tối ưu, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm cuối cùng", ông Đông Hiếu nhận định.

z6833862665912-a1a94835a0de707-9566-6902-1753295740.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Qw6aQkfKgrE_Kal9y4imag

Ông Lê Viết Đông Hiếu, Trưởng phòng Phát triển bền vững Duy Tân Recycling tại sự kiện. Ảnh: BSA

Hay như tại Faslink, bà Nguyễn Bích Diền nói từng tiếp xúc nhiều trường đại học và được biết có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến vật liệu may mặc bền vững như sợi vải từ vỏ chuối hay nấm. Tuy nhiên, phần lớn sáng kiến vẫn trong phòng thí nghiệm, chưa thể đưa vào sản xuất công nghiệp.

Do đó, theo bà, cần có sự kết nối liên ngành, cơ chế hỗ trợ hình thành các hệ sinh thái hoàn chỉnh để các giải pháp xanh nhanh chóng vượt qua giai đoạn thử nghiệm và đến được với thị trường. "Vải sợi dứa thương mại được là trường hợp hiếm khi có sự cộng tác từ nhiều bên trong chuỗi cung ứng", bà ví dụ.

Dù còn nhiều rào cản, các chuyên gia nhận định sản xuất bền vững là xu hướng tất yếu, mang đến lợi thế cạnh tranh lâu dài. Ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững của Interek Việt Nam, cho rằng xu thế hiện nay là hướng tới cân bằng giữa kinh tế – môi trường – xã hội (ESG).

Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, việc đáp ứng nhu cầu vật chất không còn là vấn đề khó. Điều thách thức hơn là làm sao để sống trong một môi trường lành mạnh và xây dựng các mối quan hệ xã hội tử tế, nhân văn. "Hiện nay, các bạn trẻ nếu nắm bắt xu hướng này sớm thì còn rất nhiều cơ hội", ông nhận định.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, chuyển đổi xanh "không còn là lý thuyết, mà là hành động sống còn". Theo bà, điểm tích cực là ý thức về cơ hội cạnh tranh từ sản xuất xanh của các startup, doanh nghiệp cũng đang phát triển mạnh thời gian qua.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022