Thông điệp được ông đưa ra hôm 17/4, trong chuyến thăm công nhân ngành thép ở bang Pennsylvania, nơi sự hỗ trợ của công đoàn có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua tái tranh cử vào Nhà Trắng năm nay.

Mức thuế ông Biden muốn áp với thép và nhôm nhập từ Trung Quốc là 22,5%, tăng 3 lần so với hiện tại (7,5%). Nhà Trắng khẳng định chính sách này nhằm bảo vệ ngành sản xuất Mỹ khỏi các hoạt động thương mại không công bằng, hơn là tìm kiếm sự ủng hộ chính trị của công đoàn.

Trung Quốc sản xuất khoảng một nửa lượng thép thế giới và đang cung ứng nhiều hơn nhu cầu thị trường nội địa. Các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng nước này xuất khẩu thép với giá thấp hơn một nửa thép Mỹ.

Mỹ nhập 6,1 tỷ USD thép trong 12 tháng, tính đến tháng 2/2023, nhưng chỉ 3% trong số đó đến từ Trung Quốc. Với các rào cản thương mại hiện có, Viện Sắt thép Mỹ cho biết năm ngoái thép Trung Quốc chiếm 2,1% lượng thép nhập khẩu của nước này, đứng thứ 7 trong các nguồn thép ngoại.

Tuy nhiên, Nhà Trắng nói sẽ theo đuổi các cuộc điều tra chống bán phá giá với các quốc gia và nhà nhập khẩu cố gắng làm tổn hại thị trường trong nước bằng thép ngoại. Họ cho biết đang làm việc với Mexico để đảm bảo các công ty Trung Quốc không thể đưa sản phẩm đến đây quá cảnh sang Mỹ nhằm lách thuế.

2024-03-09T004836Z-916090141-R-8468-7932-1713377493.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X5Dg6Tr3XJbuv-iVYYWg3w

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 8/3. Ảnh: Reuters

Cố vấn kinh tế quốc gia Nhà Trắng Lael Brainard tuyên bố Tổng thống nhận thấy phải đầu tư và bảo vệ sản xuất cũng như công nhân Mỹ khỏi hoạt động xuất khẩu không công bằng liên quan đến tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc. "Tình trạng dư thừa này gây ra rủi ro nghiêm trọng cho tương lai của ngành thép và nhôm nội địa", bà Lael Brainard nói.

Thông điệp của ông Biden được các nhà sản xuất mặt hàng này trong nước hoan nghênh. Kevin Dempsey, Chủ tịch Viện Sắt thép Mỹ cáo buộc Trung Quốc phá vỡ thị trường thế giới bằng cách "trợ cấp sản xuất thép, bán phá giá những sản phẩm này ở nước này và một số thị trường khác".

Tuy nhiên, một số lo ngại tăng thuế sẽ mang lại những rủi ro kinh tế lớn. Thép và nhôm có thể trở nên đắt hơn, làm tăng chi phí ôtô, vật liệu xây dựng và các hàng hóa quan trọng khác với người tiêu dùng Mỹ.

Lạm phát vốn là vấn đề kinh tế đau đầu của ông Biden. Việc ông chuyển hướng sang chủ nghĩa bảo hộ bằng cách tăng thuế như người tiền nhiệm Donald Trump có thể gây tổn hại cho kinh tế nước này, theo công ty tư vấn Oxford Economics.

Đáp lại, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein nói việc xem xét tăng thuế mạnh với các sản phẩm kim loại của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát và cần thiết cho an ninh quốc gia.

"Nếu không hành động, chúng ta sẽ gặp rủi ro với một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế", ông Jared Bernstein nêu.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo việc nước này làm tràn ngập thị trường toàn cầu bằng hàng giá rẻ và giá thép thấp đã làm tổn hại nghiêm trọng các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, Mỹ. Bắc Kinh bày tỏ quan ngại về các biện pháp thương mại và kinh tế mà Mỹ hạn chế lên Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken cũng sắp có chuyến thăm nước này.

Cũng trong chuyến thăm hôm 17/4, khi được hỏi về căng thẳng thương mại leo thang với Trung Quốc, ông Biden trả lời "không có chiến tranh thương mại".

Phiên An (theo AP, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022