Thông tin tại phiên họp kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm chiều 2/4, Sở Tài chính TP HCM cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I ước đạt 457.617 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ 2024.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Chi Cục Thống kê TP HCM, kinh tế TP HCM quý vừa qua cũng tăng trưởng nhanh hơn một số địa phương lân cận như Bình Dương (6,7%), Đồng Nai (6,8%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-3%), đồng thời nhỉnh hơn Hà Nội (7,35%) và Cần Thơ (6,7%).

Điểm sáng của kinh tế 3 tháng đầu năm tại TP HCM là ngành dịch vụ tăng trưởng cao nhất 7 năm qua, đạt 8,72%. Trong đó, vận tải tăng cao nhất (+13,9%), bất động sản cũng khởi sắc (+15,8%). "Hoạt động du lịch bùng nổ góp phần giúp lữ hành, lưu trú, ăn uống tăng trưởng cao", ông Hoàng nói.

Công nghiệp tăng trưởng cao nhất 5 năm, đạt 5,94%, nhưng chưa thật sự bứt phá (trước Covid-19, công nghiệp quý I thường tăng trưởng khoảng 7%). Ngoài ra, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cũng tích cực. Vốn FDI đổ vào địa phương 3 tháng đầu năm khoảng 567,21 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Huba) đánh giá một số lĩnh vực phục hồi khá, nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh tăng. Khảo sát doanh nghiệp dịch vụ ăn uống ghi nhận tăng trưởng trên 8%, doanh thu bán lẻ của các siêu thị tăng hơn 10%.

Xuất khẩu vật liệu xây dựng và gỗ nội thất tích cực. "Ngành dệt may ghi nhận kết quả khả quan nhờ đa dạng hóa thị trường và đổi mới công nghệ, đa phần doanh nghiệp có hợp đồng kéo dài đến cuối năm", đại diện Huba nêu.

Tuy nhiên, sức khỏe đầu tàu kinh tế vẫn còn một số mặt chưa cải thiện. Tính đến cuối tháng 3, giải ngân đầu tư công chỉ 4.556 tỷ đồng, đạt 5,4% kế hoạch cả năm, chưa đạt mục tiêu 15%. Tính cả vốn chuyển tiếp từ năm trước, tổng vốn đầu tư công bơm ra nền kinh tế quý I là 9.950 tỷ đồng.

Có 6.632 doanh nghiệp mới ra đời 3 tháng qua, với số vốn đăng ký trên 42.000 tỷ đồng, giảm lần lượt 39,7% và 55,2%. Trong khi đó, doanh nghiệp giải thể tăng 13,3% và tạm ngưng hoạt động tăng 19%.

"Môi trường kinh doanh chưa chuyển biến tích cực", ông Nguyễn Khắc Hoàng nhận xét. Theo đó, quý vừa qua, cứ 1 doanh nghiệp gia nhập thì 1,4 doanh nghiệp rút lui. Trong khi, tỷ lệ này vào các năm 2021, 2022 lần lượt là 1:0,6 và 1:0,9.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS), đánh giá tình hình doanh nghiệp rút lui tương đối lo ngại. "Cần nghiên cứu sâu hơn vì sao họ dừng hoạt động, vì đây là lực lượng giúp tăng trưởng những năm sau", ông nói.

dji-20250128073147-0096-d-1743-8273-5658-1743590448.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4jJ-cjfYwV_rOSxJEKZ9cg

Khu vực Công trường Mê Linh, quận 1, TP HCM vào tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Năm 2025, TP HCM được Chính phủ giao tăng trưởng 8,5% và tự đề ra mục tiêu tăng 10%. TS Trương Minh Huy Vũ cho biết theo kịch bản tăng trưởng cả năm 8,5%, quý I phải 8,31-8,84% và đi lên liên tục đến cuối năm. "Kết quả quý là tốt nhưng so với kịch bản 8,5% là không đạt", ông nói.

Chi cục trưởng Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng dự báo kinh tế năm nay theo xu hướng 6 tháng cuối khó khăn hơn nửa đầu năm. Do đó, muốn đạt mục tiêu thì GRDP quý II phải tăng tốc hơn để bù đắp khả năng suy giảm hai quý cuối. "Muốn cuối năm tăng trưởng 8,5% hoặc 10%, nửa đầu năm phải tăng 8,61% hoặc 10,8%", ông Hoàng nói.

Theo HIDS, để đạt được tăng trưởng nhanh như đề ra, không cách nào khác ngoài kích tổng cầu, dồn lực vào đầu tư. "Đầu tư công chưa đạt mục tiêu còn đầu tư tư nhân phụ thuộc vào sự dẫn dắt của đầu tư công, môi trường kinh doanh, khả năng tiếp cận đất đai và vốn. Không gỡ các điểm này thì khó", ông Vũ nêu.

Huba kiến nghị chính quyền đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng khả năng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Đồng thời, địa phương hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng. "Tiến độ hoàn thuế, đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy nhanh để giảm áp lực tài chính. Các khiếu nại liên quan đến thuế của doanh nghiệp cũng cần giải quyết nhanh chóng", Huba kiến nghị.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính cho hay, năm nay TP HCM đặt mục tiêu giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 100% các công trình, dự án thuộc thẩm quyền địa phương và 50% thuộc thẩm quyền trung ương. "Thành phố sẽ tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, giảm các hoạt động thanh tra doanh nghiệp", bà Mai nói.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được đánh giá kinh tế quý I có bước tạo đà khá tốt. Tuy nhiên, ông lưu ý cải cách thủ tục hành chánh hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doang, giúp nhà đầu tư tin tưởng quan lại.

Ông định hướng khoán mục tiêu tăng trưởng cho từng đơn vị, địa phương để đạt mục tiêu GRDP chung của Thành phố. "Đề nghị Viện nghiên cứu phát triển TP HCM và Chi cục Thống kê lập kịch bản giao khoán chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng sở, ngành đóng góp", Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022