Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân ngày 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Việt Nam phải đặt niềm tin vào tư nhân, tạo động lực, truyền cảm hứng để khu vực này phát triển, tạo công ăn việc làm và làm giàu cho đất nước. Ông yêu cầu Ban chỉ đạo nghiên cứu, đặt mục tiêu cao hơn về đóng góp của khu vực này vào GDP, tăng năng suất lao động.

Với hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, 82% tổng số lao động. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thế giới.

Theo Thủ tướng, Nhà nước cần huy động doanh nghiệp tư nhân tham gia các công trình trọng điểm quốc gia, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Ông cũng gợi ý nghiên cứu cơ chế giao kinh tế tư nhân tham gia các lĩnh vực khó như phát triển, hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, an ninh.

"Cần mạnh dạn, tin tưởng giao việc khó", Thủ tướng nói.

img0458-1743592891560168477645-7023-5845-1743599900.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9nxdkoA9jzafJEuYv19g2w

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân, ngày 2/4. Ảnh: VGP

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa với tiềm lực tài chính, trình độ quản trị, đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Đa số doanh nghiệp cũng có tư duy kinh doanh thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bên cạnh đó, vướng mắc thể chế, pháp luật cũng là rào cản trong phát triển kinh tế tư nhân. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao.

Dự kiến, Đề án phát triển kinh tế tư nhân sẽ đưa các giải pháp chung và riêng cho từng nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa đang tăng trưởng và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đề án phát triển kinh tế tư nhân có nội dung khó, phạm vi rộng do liên quan toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân và các cấp, ngành, địa phương. Ông yêu cầu Đề án xây dựng phải thống nhất nhận thức về vai trò của tư nhân trong nền kinh tế, khẳng định đây là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng.

"Việc phát triển kinh tế tư nhân phải lựa chọn chính xác những "đòn bẩy, điểm tựa, có tính khả thi", ông nói, thêm rằng các chính sách đưa ra phải giúp huy động được mọi nguồn lực của khu vực tư nhân vào phát triển đất nước. Cụ thể, Thủ tướng cho rằng nguồn lực trong dân sẽ được giải phóng nếu quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, sở hữu của họ được bảo vệ. Cùng với đó, các vấn đề kinh tế được giải quyết bằng biện pháp kinh tế, không hình sự hóa.

Ông cũng lưu ý việc xây dựng thể chế phải thông thoáng, cắt bỏ những thủ tục rườm rà, không gây phiền hà, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp, giảm tối đa thời gian, chi phí tuân thủ. Đặc biệt, việc thành lập doanh nghiệp phải đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng nhất có thể với thời gian quy định cụ thể, thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Ngoài ra, nhà điều hành cần thúc đẩy quản trị thông minh, phát triển hạ tầng để giảm chi phí đầu vào, logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp, năng suất lao động, theo Thủ tướng.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022