Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh áp thuế lên hàng hóa Mexico, Canada và Trung Quốc. Theo đó, năng lượng nhập khẩu từ Canada sẽ bị áp thuế 10%, trong khi mặt hàng này từ Mexico vẫn chịu thuế 25%.

Các mặt hàng khác từ Mexico và Canada chịu mức thuế 25% và toàn bộ hàng Trung Quốc bị áp thêm 10%, từ 0h01 ngày 4/2. Canada cũng không còn được hưởng miễn thuế nhập khẩu "de minimis" với các lô hàng nhỏ dưới 800 USD.

Tổng thống Trump ký 3 sắc lệnh hành pháp về thuế quan sau chuyến đi chơi golf ở Florida. Ông cho hay sẽ duy trì các mức thuế này cho đến khi tình trạng khẩn cấp quốc gia về thuốc fentanyl và nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ kết thúc.

Nhà Trắng tuyên bố thuế quan được áp dụng "cho đến khi cuộc khủng hoảng lắng dịu", nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về những gì Mexico, Canada và Trung Quốc cần thực hiện để gỡ bỏ.

2019-12-04T000000Z-870616314-R-2289-8351-1738468396.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rRqNZva58dhVjAXM3l_m0A

Ông Trump (trái) và ông Trudeau tại Anh năm 2019. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, quyết định áp thuế chứng minh cho lời đe dọa liên tục của ông Trump trong chiến dịch tranh cử cho đến khi nhậm chức, bất chấp cảnh báo từ các nhà kinh tế rằng việc khơi mào thương chiến với các đối tác thương mại hàng đầu sẽ làm xói mòn tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu.

AP cho rằng, quyết định áp thuế gây ra sự bế tắc về kinh tế với hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Mexico và Canada. Động thái này cũng làm đảo lộn mối quan hệ thương mại kéo dài hàng thập kỷ với đe dọa trả đũa gay gắt từ hai quốc gia này. Trong khi, Trung Quốc cho biết sẽ kiện Mỹ lên WTO.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết đã chỉ thị cho Bộ trưởng Kinh tế thực hiện một phản ứng bao gồm thuế quan trả đũa và các biện pháp khác để bảo vệ lợi ích đất nước. "Chúng tôi kiên quyết bác bỏ lời vu khống của Nhà Trắng rằng chính phủ Mexico liên minh với các tổ chức tội phạm, cũng như bất kỳ ý định can thiệp nào vào lãnh thổ của chúng tôi", bà nói.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ áp thuế 25% với 155 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Trong đó, 30 tỷ USD rượu và trái cây từ nước này sẽ chịu thuế kể từ 2/2. "Điều này sẽ gây ra hậu quả thực sự với các bạn, người dân Mỹ", ông cảnh báo trong phát biểu cuối ngày 1/2.

Ông Trudeau nói rằng nhiều người Canada cảm thấy bị phản bội bởi người bạn hàng xóm và đồng minh lâu năm. "Những hành động Nhà Trắng thực hiện đã chia rẽ thay vì đoàn kết chúng ta lại", ông nói. Thủ tướng Canada đồng thời khuyến khích người dân lựa chọn sản phẩm và dịch vụ nội địa.

Các quan chức cấp tỉnh và lãnh đạo doanh nghiệp tại Canada cũng phản ứng dữ dội, kêu gọi áp thuế mạnh với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Thủ hiến tỉnh British Columbia David Eby cho rằng quyết định của chính quyền Trump là "lời tuyên chiến kinh tế chống lại một đồng minh và người bạn đáng tin cậy". Ông nói sẽ đứng lên vì công dân British Columbia và người Canada nói chung, kêu gọi người dân ngừng mua rượu từ các bang "đỏ" - bang do đảng Cộng hòa kiểm soát - của Mỹ.

Theo Thủ hiến Ontario Doug Ford, Canada "giờ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả mạnh mẽ". "Tôi hoàn toàn ủng hộ chính phủ liên bang đưa ra phản ứng quyết liệt, tương xứng với mức thuế của Mỹ", ông tuyên bố.

Tại tỉnh Nova Scotia, Thủ hiến Tim Houston cũng ra lệnh loại bỏ toàn bộ rượu nhập khẩu từ Mỹ khỏi các kệ hàng.

Phân tích từ Budget Lab thuộc Đại học Yale chỉ ra mỗi hộ gia đình Mỹ trung bình tốn thêm khoảng 1.170 USD do đợt tăng thuế quan này. Tăng trưởng sẽ chậm lại và lạm phát trầm trọng hơn. Tình hình có thể còn tồi tệ hơn nếu các quốc gia đáp trả bằng biện pháp thuế quan.

Mô hình đánh giá tác động của chuyên gia kinh tế trưởng Greg Daco từ hãng kiểm toán EY cho thấy chính sách thuế này có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 1,5 điểm phần trăm năm nay, đẩy Canada và Mexico vào suy thoái.

"Việc tăng mạnh thuế quan với các đối tác thương mại của Mỹ có thể gây ra cú sốc lạm phát trì trệ (stagflation), tức vừa làm giảm tăng trưởng kinh tế vừa thúc đẩy lạm phát, đồng thời gây biến động trên thị trường tài chính", ông nêu.

Biến động thể hiện rõ hôm 31/1, khi đồng peso Mexico và đôla Canada đồng loạt giảm giá sau khi Trump tuyên bố sẽ thực hiện áp thuế quan. Giá cổ phiếu Mỹ cũng đi xuống còn lợi suất trái phiếu kho bạc tăng.

Tại Canada, Unifor - công đoàn tư nhân lớn nhất đất nước, kêu gọi "phản công mạnh mẽ và nhanh chóng" khi ông Trump tuyên chiến kinh tế với người lao động Canada.

Lãnh đạo đảng cầm quyền Mexico tại quốc hội Ricardo Monreal tuyên bố đòn thuế của ông Trump là một trong những cuộc tấn công nặng nề nhất mà Mexico phải hứng chịu trong lịch sử từ khi độc lập. "Điều này không thể chấp nhận được, một quyết định đơn phương với quy mô như vậy là không thể dung thứ. Tất cả chúng ta đều sẽ thua cuộc, họ cũng vậy", ông nói.

Chủ tịch Hội đồng Thương mại Đối ngoại Quốc gia Mỹ (NFTC) Jake Colvin cho rằng động thái của ông Trump có nguy cơ làm tăng chi phí của "mọi thứ, từ quả bơ đến ôtô" và kêu gọi Mỹ, Canada và Mexico nhanh chóng tìm ra giải pháp để tránh căng thẳng leo thang. "Chúng ta nên tập trung vào hợp tác với Canada và Mexico để giành lợi thế cạnh tranh và tạo điều kiện cho các công ty Mỹ mở rộng xuất khẩu sang thị trường toàn cầu", ông nhìn nhận.

Theo AP, Tổng thống Trump đang đặt cược lớn về mặt chính trị rằng các động thái của ông sẽ không làm trầm trọng thêm lạm phát, gây ra cú sốc tài chính khiến kinh tế toàn cầu bất ổn hay cử tri phản ứng tiêu cực. Khảo sát AP VoteCast về cử tri trong cuộc bầu cử năm ngoái cho thấy nước Mỹ chia rẽ trong việc ủng hộ thuế quan.

Việc ông Trump áp thêm thuế nhập khẩu, cho thấy thuế quan sẽ là một phần quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Ngoài Canada, Mexico và Trung Quốc, hôm thứ sáu (31/1), ông Trump còn đề cập đến việc áp thuế lên chip máy tính, thép, dầu mỏ, khí đốt, đồng, dược phẩm và hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Nếu triển khai, điều này đồng nghĩa khả năng Mỹ đối đầu với phần lớn nền kinh tế toàn cầu.

Hiện chưa rõ các mức thuế này sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động đầu tư kinh doanh mà Tổng thống Mỹ từng hứa hẹn sẽ bùng nổ nhờ kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp và gỡ bỏ các quy định hành chính. Thông thường, thuế quan có xu hướng đẩy giá cả lên cao với người tiêu dùng và doanh nghiệp, do chi phí nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài tăng lên.

Nhiều cử tri đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 với niềm tin rằng ông có thể kiểm soát tốt hơn tình trạng lạm phát leo thang dưới thời người tiền nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên, kỳ vọng lạm phát đang tăng lên. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan khảo sát dự báo giá cả sẽ tăng 3,3%, cao hơn mức lạm phát thực tế 2,9% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024.

Tổng thống Trump vẫn cần phải thông qua Quốc hội để thực hiện các kế hoạch ngân sách, giảm thuế và tăng trần nợ công. Kết quả của kế hoạch thuế quan có thể củng cố hoặc làm suy yếu vị thế của ông. Đảng Dân chủ đã nhanh chóng khẳng định rằng bất kỳ đợt lạm phát nào sắp tới đều do Trump gây ra.

"Bạn lo lắng về giá cà chua? Hãy chờ xem thuế quan của ông Trump với Mexico làm giá mặt hàng này thế nào. Bạn lo lắng về giá ôtô? Hãy chờ xem thuế quan của Trump với Canada khiến giá xe hơi leo thang ra sao", Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer bình luận.

Phiên An (theo Reuters, AP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022