Ngày 1/2, Tổng thống Donald Trump ký lệnh áp thuế lên hàng hóa Mexico, Canada và Trung Quốc. Theo đó, năng lượng nhập khẩu từ Canada sẽ bị áp thuế 10%, trong khi mặt hàng này từ Mexico vẫn chịu thuế 25%. Các mặt hàng khác từ Mexico và Canada chịu mức thuế 25% và toàn bộ hàng Trung Quốc bị áp thêm 10%, từ 0h01 ngày 4/2.

Nguyên nhân là các nước này không ngăn chặn được hoạt động buôn lậu fentanyl vào Mỹ. Ý định này đã được ông công bố hôm nhậm chức. Từ khi vận động tranh cử, Tổng thống Mỹ đã đe dọa áp thuế nhập khẩu mạnh tay với các đối tác thương mại. Ông khẳng định thuế này sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng và có ngân sách dồi dào hơn.

Các thành viên Hội đồng Cố vấn kinh tế của ông Trump lý giải thuế nhập khẩu diện rộng sẽ không gây ra lạm phát, do USD tăng giá, khiến hàng nhập khẩu rẻ đi. Họ cũng tin rằng việc giảm thuế trong nước và quy định hành chính giúp GDP Mỹ tăng vọt và thâm hụt co lại.

Trong báo cáo công bố ngày 31/1, tổ chức phi lợi nhuận Tax Foundation ước tính thu thuế của Mỹ sẽ tăng thêm 1.200 tỷ USD giai đoạn 2025-2034. Tháng trước, trong thư gửi các nhà hoạch định chính sách, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cũng cho biết thuế nhập khẩu áp dụng từ đầu tháng 2 có thể giúp ngân sách tăng 140 tỷ USD năm nay. Tính chung giai đoạn 2025-2035, ngân sách Mỹ có thêm 1.500 tỷ USD.

trump-ap-1-1738427049-9808-1738427258.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vs5T-txVmgpnZ5rrBFgLEw

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại West Palm Beach ngày 6/1. Ảnh: AP

Tuy nhiên, phần lớn nhà kinh tế học không đồng ý với Tổng thống Mỹ. Nhiều người khẳng định chính sách thuế này của ông Trump sẽ làm tăng lạm phát, kéo tụt tăng trưởng, làm tổn thương người lao động Mỹ và khiến người tiêu dùng trong nước chịu hậu quả.

"Gần như tất cả nhà kinh tế học cho rằng tác động từ thuế nhập khẩu với Mỹ và thế giới là rất tồi tệ. Chúng chắc chắn gây ra lạm phát", Joseph Stiglitz - nhà kinh tế học từng được giải Nobel Kinh tế cho biết.

Ông giải thích rằng các quốc gia khác sẽ trả đũa. "Kể cả chính phủ không muốn trả đũa, người dân các nước đó cũng yêu cầu họ phản ứng", ông nói.

Thuế nhập khẩu, căng thẳng, nỗi lo sợ trả đũa và chiến tranh thương mại sẽ khiến nhiều doanh nghiệp giảm đầu tư. Việc này gây tác động toàn cầu. Nghiên cứu của Greg Daco - kinh tế trưởng tại EY cho biết thuế nhập khẩu sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ giảm 1,5% năm nay, đồng thời đẩy Canada và Mexico vào suy thoái.

"Chúng tôi nhấn mạnh rằng việc tăng thuế nhập khẩu đáng kể với các đối tác thương mại có thể gây ra cú sốc stagflation (tăng trưởng chậm, lạm phát cao) tại Mỹ, đồng thời châm ngòi cho biến động trên thị trường tài chính", ông viết.

Marcus Noland - Phó giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cũng cho rằng áp thuế nhập khẩu kìm hãm tăng trưởng kinh tế Mỹ, khiến lạm phát tăng tốc. Những ảnh hưởng này càng nhân lên nếu các quốc gia khác trả đũa.

Ông Trump thì cho rằng chính sách thương mại của ông sẽ là chiến thắng cho người Mỹ. Trong ngày ông nhậm chức, Nhà Trắng công bố bản kế hoạch "Chính sách thương mại Nước Mỹ trên hết". Trong đó, Trump viết: "Tôi sẽ tạo ra một chính sách thương mại sôi động và mới mẻ, nhằm thúc đẩy đầu tư và năng suất, tăng cường lợi thế về công nghiệp và kỹ thuật của nước Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia và kinh tế, đặt lợi ích công nhân, nhà sản xuất, nông dân, doanh nhân lên trên hết".

Dù vậy, nhiều nhà kinh tế học cho rằng đây chỉ là mong muốn của ông. Việc thực thi các chính sách như đề xuất, các nhà sản xuất, nông dân và công nhân Mỹ thậm chí còn chịu thiệt hại. Jim Stanford - nhà kinh tế học nổi tiếng người Canada nhận định việc áp thuế 25% lên sản phẩm nước này, cả ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ và Canada đều chịu tác động nặng nề.

"Ngành xe hơi hai nước đã phụ thuộc lẫn nhau 60 năm qua. Mỹ áp thuế 25% lên tất cả linh kiện xe hơi đến từ Canada và Mexico, một số linh kiện có thể tăng giá gấp 8 trước khi được lắp ráp vào xe", ông giải thích.

Ví dụ, thép có thể được vận chuyển từ Mexico đến Mỹ, đúc thành linh kiện cho bộ chế hòa khí. Linh kiện này sau đó được đưa sang Canada làm bộ chế hòa khí, rồi tới Mexico để lắp ráp xe hơi hoàn chỉnh trước khi bán sang Mỹ. "Cứ mỗi lần xuất khẩu qua lại như vậy, sản phẩm bị áp thêm thuế. Mức 25% sẽ được nhân lên vài lần. Tác động cuối cùng rất lớn", Jim Stanford nói.

Ông Trump cho rằng Canada và các hãng xe nước này phải trả mức thuế 25%. Tuy nhiên, Stanford khẳng định quan điểm này là sai lầm. "Rõ ràng nó chỉ khiến giá xe tại Mỹ tăng cao. Chính người tiêu dùng nước này mới trực tiếp trả tiền cho mức tăng đó", ông nói.

Khi phải chi thêm tiền cho hàng hóa nhập khẩu, người tiêu dùng còn ít tiền dư hơn để mua hàng hóa khác. Việc này gây thiệt hại cho các hãng bán lẻ và sản xuất.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi ông Trump áp thuế nhập khẩu với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nước này đã trả đũa bằng cách tương tự, đồng thời dừng mua nhiều nông sản Mỹ. Việc này khiến các nông dân Mỹ thiệt hại. Marcus Noland dự báo việc ông Trump lặp lại điều này với Bắc Kinh, nông dân Mỹ một lần nữa chịu hậu quả.

Ford-1-1736136214-9664-1736136-2667-2301-1738427259.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VeJXUzEc8LATId3DZmIY8w

Các hãng xe chọn Mexico để sản xuất nhiều trong số các mẫu xe có mức giá phải chăng nhất của thương hiệu, như Ford với mẫu bán tải Maverick. Ảnh: Reuters

Eswar Prasad - chuyên gia chính sách thương mại tại Đại học Cornell cũng cảnh báo thuế nhập khẩu của ông Trump sẽ gây tác động không mong muốn. "Các hãng xuất khẩu của Mỹ đối mặt với thời kỳ khó khăn, vì rào cản mà các thị trường nước ngoài dựng lên. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu khiến USD mạnh lên, làm giảm lợi thế của họ trên thị trường quốc tế", ông nói. Lo ngại về thuế và tình hình bất ổn sẽ kéo tụt đầu tư và tuyển dụng.

Chính sách của ông Trump cũng khiến cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương thêm phức tạp. "Các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất. Việc này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong bối cảnh tăng trưởng nhiều nơi còn trì trệ", Stiglitz bổ sung.

David Seif - kinh tế trưởng của Nomura cho rằng một số chính sách của ông Trump, như giảm thuế trong nước và thủ tục hành chính có thể bù đắp tác động tiêu cực của thuế nhập khẩu lên tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu lạm phát bùng lên năm nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngần ngại giảm lãi suất. Điều này trái với mong muốn của ông Trump.

Cùng với đó, khi tỷ lệ thất nghiệp tại nước này hiện ở mức thấp là 4,1%, việc tìm đủ lao động để mở rộng ngành sản xuất là rất khó. Đó là chưa kể đến việc người nhập cư trái phép đang bị trục xuất.

Lindsay Owens - Giám đốc tổ chức tư vấn chính sách Groundwork Collaborative cho biết nhiều người tự hỏi liệu các chính sách thuế nhập khẩu của Trump có khớp với cam kết hạ giá sản phẩm của ông hay không. Các cố vấn của ông Trump khẳng định thuế nhập khẩu vừa có lợi cho công nhân, vừa giúp chính phủ giảm thuế cho người giàu.

"Nhưng nếu dành thuế nhập khẩu để bù vào phần giảm thuế cho các tỷ phú, liệu lợi ích cho tầng lớp lao động còn được bao nhiêu?", Owens nói.

Các quốc gia chịu tác động lên kế hoạch trả đũa. Ngày 31/1, nguồn tin của Reuters cho biết Canada đã phác thảo danh sách sản phẩm của Mỹ dự kiến bị áp thuế nhập khẩu trả đũa, trong đó có nước cam từ Florida. Số hàng hóa này có tổng giá trị 150 tỷ đôla Canada (103 tỷ USD). Dù vậy, họ sẽ lấy ý kiến người dân trước khi hành động.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng đe dọa trả đũa. Tuy nhiên, bà cho biết "chờ đợi với cái đầu lạnh" và sẵn sàng tiếp tục đối thoại về vấn đề biên giới với ông Trump.

Trung Quốc lần này thận trọng hơn cả về kế hoạch trả đũa. Tuy nhiên, nước này cũng tuyên bố sẽ đáp trả để bảo vệ quyền lợi thương mại. "Không có ai chiến thắng trong chiến tranh thương mại hay thuế nhập khẩu", người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ khẳng định.

Hà Thu (theo Guardian, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022