Nhà gần quận 12 (TP HCM), nơi có nhiều kho bán đồ nội thất cũ, anh Thành Đạt thường chọn sắm bàn, ghế, giường, tủ thanh lý. Những vật dụng đắt tiền như điện thoại, laptop cũng là mặt hàng anh ưu tiên không mua mới 100%.

"Gia đình tôi cũng mua đồ qua sử dụng với các loại nhu cầu ngắn hạn như địu em bé, xe tập đi. Mua đồ qua sử dụng trước tiên tiết kiệm chi phí và phần nào tránh lãng phí, tốt cho môi trường", Đạt nói.

Một khảo sát nhỏ với người tiêu dùng Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng do công ty tư vấn kinh tế tuần hoàn CL2B công bố tại Hội thảo Hành động hướng tới kinh tế tuần hoàn (VCEA) diễn ra mới đây, cho thấy, có hơn 40% chấp nhận mua đồ qua sử dụng.

Song song đó, nhiều người cũng quan tâm đến các giải pháp xanh khác như sử dụng lại bình, hộp đựng và túi mua hàng. Khoảng 60% cho biết tránh mua sản phẩm không cần thiết và mua quà tặng phải hữu ích.

Theo RedSeer Strategy Consultants (Ấn Độ), thị trường trao đổi và mua bán hàng hóa qua sử dụng của Việt Nam quy mô 1,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng lên 5,1 tỷ USD vào 2026. Báo cáo "The Carousell Recommerce Index" cho hay 83% người Việt từng mua đồ cũ và sẵn sàng mua thêm trong tương lai.

Với Carousell, thập niên qua, các nền tảng kinh doanh của họ tại 7 thị trường Đông Nam Á đã kéo dài vòng đời cho 76,8 triệu món đồ thời trang; 33,9 triệu thiết bị điện tử; 11,1 triệu đồ gia dụng và nội thất. Góp vào con số này có Chợ Tốt - nền tảng mua bán đồ qua sử dụng của Carousell tại Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc vận hành Chợ Tốt đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường đồ cũ rất lớn. "Một phần xuất phát từ việc thay đổi thói quen mua sắm, đặc biệt là ở thế hệ Gen Z, những người ngày càng quan tâm đến lối sống xanh", bà Ngọc nói.

img-5667-1727937549-3212-1727939308.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xommgaDojs6u8zWz_cXKdw

Tất làm từ nhựa tái chế và áp gối từ sợi tre được sản xuất ở Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông

Cùng với đồ qua sử dụng, các sản phẩm có nguồn gốc bằng vật liệu thân thiện hoặc tái chế cũng manh nha tìm được đầu ra. Thị trường những năm gần đây xuất hiện các loại vật dụng có thành phần từ nhựa, giấy tái chế hoặc bã cà phê.

Ngành thời trang nổi lên các loại nguyên liệu sợi làm từ bã cà phê, sợi tre, sợi sen, sợi bạc hà, vỏ hàu, cotton hữu cơ hay gần đây là sợi làm từ lá quả dứa. Một khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho biết 80% người tiêu dùng chấp nhận chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm cam kết xanh, sạch, sản xuất từ nguyên liệu thân thiện.

Nói tại hội thảo VCEA 2024, bà Rosi Trang Nguyễn, Giám đốc sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Social Changemaker cho biết nhóm khách hàng trẻ ngày càng có hiểu biết, ủng hộ và có thói quen hơn trong tiêu dùng xanh. "Mưa dần thấm lâu thì ý thức chung cả cộng đồng sẽ cải thiện", bà nói.

Thane Taithongchai, Phó giám đốc công ty bao bì Starprint Vietnam cho biết khách hàng của họ là các doanh nghiệp sản xuất đồ tiêu dùng. Bên cạnh nhóm quan tâm về giá thì một số đã xem xét đến tính bền vững trong bao bì họ mua.

Kéo dài vòng đời sản phẩm bằng cách khuyến khích tái sử dụng, tái chế hoặc nguồn gốc thân thiện là phần quan trọng để hình thành nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2022, Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với 2014, hướng tới mục tiêu Net Zero vào 2050.

Đề án đặt mục tiêu xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% chất thải nhựa và giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết đến nay ý thức về kinh tế tuần hoàn có cải thiện. "Những mô hình mới liên quan đã phát triển trong nông nghiệp, năng lượng, thương mại - dịch vụ. Nhiều thị trường mới đã và đang hình thành", ông nói.

Ông Kai Hofmann, Giám đốc Tiêu dùng và Sản xuất bền vững tại Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) nói Việt Nam là trường hợp hơi đặc biệt. "Thị trường này đi sớm hơn nơi khác và tính trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ vì bị bắt buộc mà tự thân cũng tích cực thúc đẩy các cuộc hội thoại và hành động xanh", ông nhận xét.

Phie-n-tha-o-lua-n-1-Thu-c-da-2403-7866-1727939308.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VXxU7pjHc-kDRcYji6tikQ

Ông Nguyễn Hoa Cương (giữa) và ông Kai Hofmann (ngoài cùng bên phải) thảo luận cùng các chuyên gia tại VCEA chiều 2/10. Ảnh ban tổ chức

Dù vậy, thị trường sản phẩm tái sử dụng hoặc nguồn gốc tái chế, thân thiện còn nhiều thách thức. Bà Rosi Trang Nguyễn kể khi mở cửa hàng đồ cũ, bà từng hy vọng nhiều người Việt đến mua. Nhưng kết quả, đa phần khách là người nước ngoài đến sống và làm việc ở TP HCM.

"Ở quê hương họ, việc mua đồ qua sử dụng được chấp nhận rộng rãi. Còn tại Việt Nam, đồ hiệu cũ còn tốt vẫn không phải ai cũng chấp nhận. Rào cản đến từ quan điểm, văn hóa", bà nói.

Các sản phẩm nguồn gốc thân thiện thì vướng ở khả năng tiếp cận, ngay từ việc kết nối với phân khúc có nhu cầu. "Tôi nghĩ vẫn còn khoảng trống về hạ tầng thông tin. Chúng ta cần tự hỏi việc xây dựng câu chuyện sản phẩm xanh của mình có đủ thuyết phục khách hàng mua", ông Thane Taithongchai nêu.

Theo khảo sát của VCEA, các rào cản chính trong việc mua sắm và thực hành lối sống xanh là ít thông tin, chi phí và thiếu động lực. Gần 80% người được hỏi nói rằng lo ngại về chất lượng khi mua đồ đã qua sử dụng. Một tỷ lệ tương tự e ngại về giá với sản phẩm tái chế.

Ngoài ra, hơn 60% thấy tiện lợi với đồ nhựa dùng một lần, khiến họ không có động lực thay đổi. "Chúng ta cần cung cấp thêm thông tin cho người tiêu dùng", ông John Vũ, Đối tác liên kết CL2B, Giám đốc VCEA chỉ ra.

Cân bằng với các tiêu chỉ khác cũng mang tính sống còn vì hiếm ai mua sản phẩm xanh chỉ vì muốn bảo vệ môi trường. Bà Quyên Tôn, Chủ tịch BlueSaigon, doanh nghiệp sản xuất quà tặng cao cấp và chế tác hàng thủ công mỹ nghệ, trang sức cho hay ngoài giá trị bền vững, sản phẩm phải đi kèm chất lượng, thẩm mỹ và giá cả.

Ông Han Hoàng, Đồng giám đốc công ty sản xuất xe điện Nuen Moto Vietnam nói chất lượng vẫn quan trọng nhất. "Nếu đẹp và xanh mà không tốt bằng sản phẩm thông thường thì cũng không thuyết phục được người mua", ông nói.

Thành Đạt có những trải nghiệm này. Anh từng mua chiếc cốc làm bằng bã cà phê nhưng với tần suất dùng cao thì không bền. Anh cũng muốn ủng hộ một mẫu túi đựng laptop làm bằng vật liệu tái chế nhưng thiết kế quá sặc sỡ.

"Tôi quay lại dùng bình giữ nhiệt thông thường và không thể ủng hộ chiếc túi laptop vì thẩm mỹ. Nhìn chung, nhu cầu mua đồ thân thiện là có nhưng khó tìm. Nếu có cũng ít lựa chọn và đôi khi chất lượng không như kỳ vọng", Đạt kể.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022