Sudzha ở Ukraine là điểm trung chuyển của dòng khí đốt mà Nga cung cấp cho Moldova. "Khối lượng khí đốt do Gazprom cung cấp cho GIS Sudzha để vận chuyển đến Moldova qua lãnh thổ Ukraine cao hơn khối lượng được vận chuyển ở biên giới với Ukraine", Gazprom tuyên bố.

Ukraine đã phủ nhận cáo buộc giữ lại một phần khí đốt mà Nga cung cấp cho Moldova. "Gazprom cáo buộc Ukraine ăn cắp khí đốt. Một lần nữa. Tóm lại: điều này không đúng", Công ty năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz nêu.

Nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine cho biết tất cả khí đốt nhận được của Nga tại Sudzha để quá cảnh đi Moldova đang được chuyển đến các điểm xuất cảnh dọc theo biên giới chung hai nước.

Moldova không phải là thành viên của Liên minh châu Âu, nhưng đang trong quá trình đăng ký để gia nhập. Nga cung cấp cho Moldova khoảng 5 triệu m3 khí đốt mỗi ngày, một phần rất nhỏ lượng khí đốt mà EU sử dụng.

Tuy nhiên, theo CNN, động thái này làm dấy lên lo ngại về việc Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt cho EU thông qua Ukraine, một trong hai tuyến đường mà Nga vẫn đang cung cấp khí đốt cho khối này. Nga cũng đang vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống TurkStream chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Bulgaria.

"Cắt giảm nhỏ thường sẽ dẫn đến cắt giảm lớn", Kateryna Filippenko, nhà phân tích về thị trường khí đốt toàn cầu tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, bình luận. Vị chuyên gia dẫn lại việc cắt giảm khí đốt lũy tiến của Moskva qua đường ống Nord Stream 1 trong mùa hè.

Vào tháng 6, Gazprom đã giảm lưu lượng qua Nord Stream 1 xuống 40% công suất. Đến tháng 9, đường ống này dừng hoạt động. "Nguy cơ cắt khí đốt qua Ukraine là rất cao", bà Filippenko đánh giá. Theo dự báo của bà, việc cắt hoàn toàn sẽ xảy ra trước cuối năm nay.

1x-1-1-jpeg-8066-1669284345.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mg_Y9UBoNAKSI9uolEbz4w

Tỷ lệ lấp đầy kho dự trữ khí đốt ở châu Âu.

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng 4% vào thứ tư (23/11) ở mức 124 euro (128 USD) mỗi MWh. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn 64% so với mức kỷ lục đạt được vào đầu năm nay. Bà Filippenko cho biết, nếu Nga ngừng xuất khẩu qua Ukraine, châu Âu sẽ mất khoảng 4 tỷ m3 khí đốt - hoặc chỉ 1% nhu cầu khí đốt ước tính cho năm 2022 - trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3.

Ngay cả khi điều đó xảy ra, châu Âu vẫn có khả năng đối phó, ít nhất là trong thời gian tới. Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, các cơ sở lưu trữ khí đốt của lục địa này đã đầy gần 95%. Đó là nhờ nỗ lực phối hợp của các quốc gia thành viên trong suốt mùa hè nhằm tích trữ khí đốt, tăng nhập khẩu từ các nhà cung cấp thay thế và mua khí tự nhiên hóa lỏng.

Ngoài ra, thời tiết ôn hòa bất thường ở châu Âu vào đầu mùa đông đã giúp hạn chế lượng khí đốt cần rút khỏi các kho dự trữ đó. Trong bối cảnh này, việc đóng cửa hoàn toàn đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine sẽ gây ra thiệt hại "tối thiểu", theo bà Filippenko.

Tuy nhiên, 10 ngày gần đây, tỷ lệ lấp đầy gần 95% đang giảm dần, theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, khi thời tiết lạnh hơn đang tràn đến. Theo Maxar Technologies, phần lớn lục địa châu Âu sẽ đối mặt với thời tiết lạnh hơn so với dự báo trước đó trong hai tuần tới.

Nhiệt độ ở Berlin dự kiến sẽ giảm xuống mức -3,5 độ C (26 độ F) vào ngày 3/12. Các thành phố từ Amsterdam đến Helsinki và Stockholm cũng sẽ bắt đầu lạnh hơn. Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn sẽ ôn hòa trong vài ngày tới, nhưng sẽ có một đợt lạnh vào tuần tới. Những bất thường nhẹ hơn được dự đoán xảy ra ở miền bắc Na Uy và miền bắc Thụy Điển từ 6 đến 10 ngày.

Do vậy, từ Pháp đến Phần Lan, các chính phủ đã cảnh báo về khả năng thiếu điện và mất điện liên tục do nhu cầu sẽ đạt đỉnh trong những tháng tới, theo Bloomberg.

Phiên An (theo CNN, Bloomberg)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022