Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo từng chia sẻ, mục tiêu cao hơn của hoạt động kinh doanh là tạo ra giá trị, nhất là các giá trị mới mẻ cho cộng đồng. Bởi vậy, nhiều năm qua, các hoạt động kinh doanh của bà Thảo đều gắn liền với các hoạt động phụng sự xã hội, thiện nguyện vì cộng đồng.

Là một trong 100 người ảnh hưởng nhất châu Á trong công tác thiện nguyện, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo mong muốn lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng xã hội, thông qua những đóng góp tích cực cho văn hóa, giáo dục.

Mục tiêu kinh doanh gắn với phụng sự người dân

Thông qua chương trình hoạt động của các doanh nghiệp như HDBank, Vietjet... bà Thảo và cán bộ nhân viên đã góp phần khẳng định triết lý kinh doanh hướng đến vấn đề văn hóa, giáo dục, y tế. Bà luôn tâm niệm, nguồn năng lượng tích cực trong công việc đến từ các hoạt động vì cộng đồng.

Trong đó, sự ra đời của hãng hàng không Vietjet đã góp phần hiện thực hóa "giấc mơ bay" cho hàng chục triệu người dân, mang tới sự đổi mới, tích cực, văn minh trong ngành hàng không Việt Nam. Đặc biệt, màu sắc thương hiệu của hãng được lấy cảm hứng từ màu đỏ và vàng của lá cờ Tổ quốc.

Bà Thảo từng chia sẻ: "Phần thưởng dành cho chúng tôi là mọi người đều có thể bay. Khi bước ra khỏi làng quê, được bay, họ cảm thấy mình là người khác - trở thành công dân toàn cầu".

-8137-1666233755.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sB-wUz-9ejn9Ga4NqJU3hg

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo ký kết biên bản hợp tác chiến lược với ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Minh Nhật

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, dưới sự lãnh đạo của nữ doanh nhân, HDBank đã trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần nổi bật với lượng lớn khách hàng vốn là người dân nông thôn. Nhà băng này cũng cùng Công ty tài chính HD Saison giúp đỡ hàng triệu khách hàng, góp phần thay đổi cuộc sống.

Tập đoàn Sovico mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo đảm nhiệm vai trò Chủ tịch là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam trở thành đối tác của Liên Hiệp Quốc trong chương trình phát triển bền vững giảm thải CO2, bảo vệ môi trường, phát triển con người, văn hóa, xã hội, hỗ trợ các sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo...

Tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng

Trẻ em là nhóm người được nữ doanh nhân đặc biệt quan tâm, đặc biệt là trẻ em ở các làng SOS. Bà thường cùng nhân viên đến tận nơi, quyên góp cho các làng SOS trên toàn quốc; đồng thời tổ chức chương trình "Chắp cánh yêu thương" để trao học bổng, trao quà cho trẻ em tại các trại trẻ mồ côi, khuyến khích trẻ em nghèo đến trường, trao áo ấm mùa đông cho trẻ ở vùng sâu vùng xa.

-5795-1666233755.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nEtNrJCwxQAdZQ_-i6Bfcw

Chủ tịch Sovico tặng quà cho các em nhỏ khó khăn. Ảnh: Minh Nhật

Ngoài ra, hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nữ doanh nhân đã cùng các đồng nghiệp nỗ lực chung tay phòng, chống dịch bệnh, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng. Doanh nghiệp do bà lãnh đạo tham gia ủng hộ quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ đầu tiên, đưa ra giải pháp website đóng góp trực tuyến cho quỹ, huy động các nguồn lực cả trong và ngoài nước tạo ra sự tương tác trực tuyến giữa người dân đóng góp với Kho bạc Nhà nước - Cơ quan quản lý quỹ, góp phần huy động thành công gần 9.000 tỷ đồng cho quỹ vắc xin...

Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ y tế hỗ trợ chống dịch "Việt Nam khỏe mạnh" là sáng kiến có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ các địa phương kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ khai báo y tế, cho phép quản lý xét nghiệm, tiêm vắc-xin...

Chương trình "Bếp ăn yêu thương" do bà Thảo kêu gọi đã dành tặng hơn 1,8 triệu suất cơm và hàng chục tấn lương thực, thực phẩm cho cán bộ bệnh viện dã chiến, những người có hoàn cảnh khó khăn ở TP HCM.

Đầu tư cho giáo dục, phát triển con người

Dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã mang tiếng nói của mình trong các chương trình quốc tế. Thông qua những hoạt động cùng UNESCO nhằm tìm các giải pháp hỗ trợ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái - đối tượng dễ bị bỏ lại phía sau khi thế giới dịch chuyển sang giáo dục trực tuyến trong đại dịch, nữ tỷ phú khẳng định luôn hành động vì một tương lai tươi sáng dành cho phụ nữ trong chuyển đổi số toàn cầu.

Bà đã cùng 29 lãnh đạo toàn cầu ký vào lá thư ngỏ, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế cùng thực hiện các hành động cụ thể để nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục trực tuyến và nâng cao kỹ năng số cho trẻ em.

-8675-1666233755.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=F7v4_rLVoWwAUCeRJHypcw

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trong một chuyến công tác thiện nguyện, gặp gỡ những hoàn cảnh kém may mắn. Ảnh: Minh Nhật

Khoản tài trợ dành cho giáo dục với Đại học Oxford sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo Oxford ngay tại Việt Nam, tạo cơ hội du học tại chỗ cho các sinh viên Việt Nam. Liên quan đến thiện chí đổi tên trường theo tên nữ tỷ phú, bà Thảo mong muốn được chia sẻ vinh dự này đến cộng đồng, đề nghị trường cho đặt tên một danh nhân văn hoá Việt Nam cho ngôi trường này.

Tại các doanh nghiệp của mình, bà Thảo chủ trương đặt mục tiêu mang đến cho tập thể cán bộ nhân viên nhà ở, phương tiện di chuyển, tiêu dùng cá nhân, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhu cầu học hành, chăm sóc con cái hay phụng dưỡng cha mẹ lên hàng đầu. Đó cũng là triết lý để nữ tỷ phú điều hành một tập đoàn đa ngành, đóng góp nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Đăng Tuấn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022