Trong văn bản giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) cho biết tính đến cuối tháng 10 vẫn tiếp tục không có đơn hàng may trang phục. Việc này đã kéo dài từ tháng 5/2023, tức khoảng một năm rưỡi qua.

Báo cáo tài chính mới đây của công ty cũng tiếp tục cho thấy tình hình kinh doanh ảm đạm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, GMC ghi nhận doanh thu hơn 474 triệu đồng, chỉ tương đương 6% so với cùng kỳ 2023. Chiếm phần lớn trong số này là doanh thu cung cấp dịch vụ và mua bán máy thanh lý đã qua sử dụng.

Riêng ở quý III, công ty có thêm 42 triệu đồng nhờ phát sinh may chăn từ nguyên phụ liệu tồn kho và kinh doanh nhà thuốc. Tuy nhiên nhìn chung, doanh nghiệp này vẫn chưa tạo ra dòng tiền đáng kể từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Garmex Sài Gòn còn có thêm 3,4 tỷ doanh thu hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi. Họ đang có gần 82 tỷ đồng gửi ngân hàng. Ngoài ra, công ty cũng thanh lý, nhượng bán tài sản cố định được hơn 8,8 tỷ đồng trong 9 tháng qua.

Tuy đã tiết giảm, nhóm các chi phí cố định vẫn lớn hơn nhiều so với các nguồn thu tạo ra. Tổng chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp ghi nhận hơn 32 tỷ đồng, phần lớn là chi phí khấu hao tài sản cố định.

Sau 9 tháng, GMC lỗ gần 8 tỷ đồng. Mức này đã cải thiện khoảng 72% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên mức lỗ lũy kế dâng lên gần 81,8 tỷ đồng khiến cổ phiếu GMC chưa thoát tình trạng bị kiểm soát. Trước đó, mã chứng khoán của Garmex Sài Gòn bị HoSE đưa vào diện kiểm soát từ cuối tháng 8 vì ghi nhận lỗ lũy kế gần 73 tỷ đồng tại báo cáo bán niên soát xét.

Để khắc phục, công ty vẫn đang nghiên cứu đầu tư các ngành mới theo xu thế nhằm phát triển trong trung và dài hạn. Doanh nghiệp cũng tiếp tục tiết giảm chi phí, thanh lý các tài sản không sử dụng, thúc đẩy công ty con hoàn thành dự án nhà ở Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) để bán sản phẩm nhằm thu hồi vốn đầu tư. Ngoài kinh doanh thêm nhà thuốc tại trụ sở, công ty cũng muốn khai thác thêm các mặt bằng hiện hữu khác.

garmex-tanmy-factory-5-6240-17-2834-4993-1730691493.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QsuG4RMlPdEPV0DFhCmd6g

Công nhân đang làm việc tại nhà máy may của Garmex Sài Gòn hồi trước dịch. Ảnh: GMC

Hiện tại, công ty này chỉ còn 31 lao động, giảm 4 người so với cuối năm 2023. Trong năm ngoái, doanh nghiệp này đã cắt giảm 1.947 việc làm, nặng nề hơn cả đợt sa thải 1.828 người của năm 2022.

Cắt giảm lao động là một trong những biện pháp chính mà doanh nghiệp này lựa chọn để giảm lỗ. Garmex Sài Gòn cho biết nếu giữ sản xuất tại các nhà máy khiến "công ty lỗ rất nhiều". Trong phiên họp thường niên cuối tháng 6, GMC nói tín hiệu hồi phục ngành may chưa rõ ràng nên không giữ lực lượng lao động chờ cơ hội. Họ cũng xác định khi có tiền thu về từ thanh lý tài sản và thu hồi công nợ sẽ đầu tư mới cho những ngành như dược phẩm, y tế, bất động sản. Ban lãnh đạo nêu quan điểm "không nhất thiết phải theo ngành may" mà chỉ khôi phục nếu thuận lợi.

Garmex Sài Gòn hoạt động hơn 20 năm, là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc có thị phần lớn, làm việc với nhiều thương hiệu quốc tế. Công ty này có 5 nhà máy tại TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam, tổng diện tích hơn 10 ha với 70 dây chuyền sản xuất.

Trước dịch, GMC từng tạo việc làm cho hơn 4.000 công nhân trong năm 2019. Giai đoạn đó, công ty ghi nhận mức doanh thu hàng nghìn tỷ và lợi nhuận lên đến hơn trăm tỷ đồng một năm. Ngay cả cao điểm dịch 2021, GMC vẫn có lãi hơn 43 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lỗ lần đầu vào năm 2022 khi đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh số xuất khẩu sụt tới 93% so với năm 2021.

Nhìn chung, tình hình kinh doanh của GMC lệnh pha hẳn so với mặt bằng chung của ngành. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng đạt hơn 27 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2023. Việt Nam là nước duy nhất trong bốn quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia, riêng thị trường chính là Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3%.

Nhiều công ty cho biết đã có đủ đơn hàng cho cả năm nay ngay từ tháng 5-6 và hiện kín đơn cho đầu năm 2025. Thậm chí một số doanh nghiệp còn gặp tình trạng khó tuyển đủ lao động đáp ứng nhu cầu tăng lên. Với những bất ổn ở Bangladesh, xu hướng dịch chuyển đơn hàng dự kiến giúp Việt Nam hưởng lợi thêm.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022