Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) vừa ra quyết định dừng hoạt động kinh doanh năm 2025. Lý do được ông Bùi Văn Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị - đưa ra là không có kinh phí để duy trì hoạt động. Công ty cần sắp xếp lại nhân sự và tìm kiếm giải pháp, phương hướng hoạt động kinh doanh mới để vượt qua giai đoạn khó khăn đang gặp phải.
Đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp, PVR dừng hoạt động. Trước đó vào cuối tháng 10/2023, công ty thông báo tài khoản ngân hàng bị phong tỏa vì phát sinh vụ kiện tranh chấp với Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Do đó, họ không đủ kinh phí vận hành. Giữa tháng 11/2023, PVR tạm ngừng hoạt động kinh doanh đến giữa tháng 11/2024. Lý do cũng là để sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.
Doanh nghiệp này đang vướng phải khoản nợ với PVC. Tòa án đã ra quyết định họ phải trả PVC tổng cộng hơn 49 tỷ đồng. Trong tờ trình gửi Hội đồng quản trị, ông Bùi Văn Phú cho biết công ty không còn tiền và cũng không thể đi vay bất kỳ tổ chức tín dụng, đối tác hay cá nhân nào.
Thời gian tới, họ sẽ tìm kiếm đối tác có khả năng hỗ trợ đầu tư vốn nhằm trả nợ, tác hợp tác kinh doanh hoặc nhận chuyển nhượng dự án. PVR cũng sẽ tìm phương án thoái vốn đã góp tại một số đơn vị để có tiền trả nợ, nhờ thế tài khoản ngân hàng mới được mở phong tỏa và công ty có kinh phí hoạt động trở lại.
Tính đến cuối tháng 9, PVR có khoản lỗ lũy kế hơn 88,3 tỷ đồng. Trong thời gian dừng hoạt động, họ vẫn phải trả các chi phí cố định như lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp nên càng ngày càng lỗ thêm.
Tổng tài sản PVR ghi nhận khoảng 976 tỷ đồng, trong đó gần 693 tỷ đồng là hàng tồn kho tại dự án Ha Noi Time Tower. Nợ phải trả quanh 517 tỷ đồng, bao gồm khoản khách hàng trả trước 256,6 tỷ đồng nhận từ năm 2021 cũng thuộc dự án Ha Noi Time Tower. Trong khi đó, họ chỉ còn 104 triệu đồng tiền mặt và các khoản gửi ngân hàng.
PVR tiền thân là Công ty CP dầu khí Tản Viên, một thành viên của PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 11/2006 để đảm nhiệm lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp.
Sau nhiều đợt biến động thượng tầng, đến tháng 9/2023, công ty có vốn điều lệ 531 tỷ đồng. Bà Trần Thị Thắm (vợ của Chủ tịch Hội đồng quản trị Bùi Văn Phú) là cổ đông lớn nhất nắm 23,51% vốn, theo sau là công ty Quản lý quỹ PVI (sở hữu 8,19%) và Tập đoàn Đại Dương (nắm 6%). Còn ông Phú chỉ nắm 5,11% vốn.
Giá cổ phiếu của công ty hiện chỉ còn 1.000 đồng. Mã chứng khoán này cũng đang nằm trong diện cảnh báo và hạn chế giao dịch của sàn HNX.
Phối cảnh Hanoi Time Tower - dự án chậm tiến độ hơn 10 năm qua. Ảnh: PVR
PVR là chủ đầu tư của dự án Hanoi Time Tower, hay còn được biết với tên gọi CT10-11 Văn Phú (Hà Đông). Chung cư này đã chậm tiến độ từ năm 2013 và đến nay vẫn tạm ngừng thi công. Trước đó, công ty đã giao dịch với khách hàng, thu tiền trước bằng hợp đồng mua bán, góp vốn và thỏa thuận đặt cọc nhưng đã lỡ hẹn hơn một thập kỷ qua.
PVR còn đầu tư Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên (Ba Vì). Dự án bị chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2019.
Tất Đạt