Thông tin từ hãng dữ liệu và phân tích về dòng vốn đầu tư toàn cầu EPFR (Mỹ) cho biết 617 tỷ USD đã chảy vào các quỹ trái phiếu của thị trường phát triển và mới nổi, tính đến giữa tháng 12. Con số này vượt mốc 500 tỷ USD hồi 2021, đưa 2024 trở thành năm kỷ lục hút vốn trái phiếu.

Lạm phát giảm dần năm nay giúp các ngân hàng trung ương có cơ hội hạ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu. Khi lãi suất giảm, giá trái phiếu sẽ tăng và lợi suất giảm. Do đó, các nhà đầu tư nhanh chóng đổ tiền vào trái phiếu để tranh thủ mức lợi suất cao hiện có trước khi nó giảm thêm.

Vasiliki Pachatouridi, Trưởng bộ phận chiến lược thu nhập cố định khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) tại BlackRock, lý giải động lực chính là lợi nhuận. "Chúng tôi đang thấy dòng vốn quay lại thị trường nhờ lợi suất hấp dẫn nhất trong gần 20 năm qua", ông nói.

chart-1734437179-3877-1734437501.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qElpYsG013rKF6V0jaQUDQ

Vốn đổ vào thị trường trái phiếu toàn cầu các năm. Nguồn: Reuters

Trái phiếu doanh nghiệp, với lợi suất cao hơn trái phiếu chính phủ tương đương, đặc biệt được ưa chuộng khi các công ty vượt qua được áp lực tăng lãi suất của ngân hàng trung ương. Nhà đầu tư cũng quan tâm các quỹ ETF chuyên trái phiếu, đổ vào kỷ lục 350 tỷ USD tính đến cuối tháng 11, theo Morningstar Direct.

"ETF giúp nhà đầu tư tiếp cận nhiều loại tài sản mà trước đây khó giao dịch hơn, bao gồm trái phiếu", Martin Oehmke, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế London, giải thích.

Hai quỹ EFT lớn nhất - BlackRock và Vanguard - hưởng lợi hàng đầu. Trong 10 tháng đầu năm, iShares của BlackRock thu hút 111 tỷ USD, trong khi Vanguard ghi nhận khoảng 120 tỷ USD đổ vào. PIMCO cũng có một năm thành công, thu hút 46 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu sau khi chảy ra ròng 80 tỷ USD năm 2022.

Dự báo dòng vốn vào trái phiếu có thể giảm năm 2025. Giới chuyên gia cho rằng chương trình cắt giảm thuế và giảm bớt quy định của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ khiến cổ phiếu Mỹ tăng mạnh, thu hút tiền đổ sang kênh chứng khoán.

Dữ liệu từ EPFR và TD Securities cho thấy 117 tỷ USD đã đổ vào các quỹ cổ phiếu Mỹ trong 4 tuần sau chiến thắng ngày 5/11 của ông Trump, gấp hơn 4 lần con số 27 tỷ USD vào trái phiếu toàn cầu.

Nhà đầu tư cũng nghi ngờ liệu trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng sau năm 2024 có hiệu suất mạnh mẽ. Carl Hammer, Trưởng bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu tại SEB cho rằng chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ đã gần chạm đáy, nên không thể giảm thêm nhiều.

Đồng thời, lợi suất trái phiếu tổng thể cũng khó có khả năng giảm mạnh so với mức hiện tại, tức giá trái phiếu khó tăng mạnh để bán kiếm lời trên thị trường thứ cấp. Hai yếu tố này đồng nghĩa nhà đầu tư không nên kỳ vọng trái phiếu sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận lớn trong tương lai gần, do thị trường đã đạt đến điểm bão hòa ở mức lợi suất thấp.

Phiên An (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022