Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) đạt doanh thu quý I hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Chỉ tiêu này đạt mức cao nhất gần 9 năm qua. Doanh nghiệp báo lãi hơn 34 tỷ đồng sau thuế, tăng 87%. Mức trên cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng quý cuối năm ngoái.
Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu 3 tháng đầu năm tăng hơn 13% lên khoảng 556 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất gần 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế tích lũy thêm 25%, đạt gần 33 tỷ đồng, cải thiện hơn hẳn mức lỗ gần 70 tỷ cuối năm 2023.
Ban lãnh đạo SRT cho biết trong quý I, công ty đổi mới về phương thức kinh doanh gồm xây dựng kế hoạch chạy tàu phù hợp, phương án bán vé, giá vé hợp lý. Thêm vào đó, nhu cầu đi lại của hành khách cũng tăng cao, đặc biệt trong và sau dịp Tết nguyên đán.
Tương tự, HRT ghi nhận doanh thu vận tải hành khách và hành lý tăng gần 59 tỷ đồng, đóng góp gần hai phần ba mức tăng trưởng của tổng doanh thu. Ngoài ra, công ty còn có nhiều biện pháp giúp kiểm soát chi phí, nhất là chi phí tài chính.
Chỉ sau ba tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm lần lượt khoảng 2,8 lần và 3 lần. Năm nay, hai doanh nghiệp lo ngại nền kinh tế và thu nhập người dân chưa phục hồi ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, lạm phát tăng, đẩy giá nhiên liệu lên cao. Do đó, họ đề ra kế hoạch kinh doanh rất thận trọng. Riêng SRT còn cho rằng ngành đường sắt dễ bị cạnh tranh bởi các phương tiện khác, đặc biệt là hàng không, trong khi năng lực nội tại của ngành chưa có chuyển biến khả quan.
Hành khách đang lên tàu tại ga Sài Gòn, dịp lễ 30/4 vừa qua. Ảnh: Gia Minh
Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là hai thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TP HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Công ty còn tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị. Doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu 600 toa vận chuyển khách hàng, 3.300 toa vận chuyển hàng hóa với 5.000 lao động.
Trong khi đó SRT quản lý các tuyến từ TP HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn... Công ty này còn kinh doanh tour du lịch tới các điểm danh lam, thắng cảnh. Ngoài ra, SRT còn sở hữu địa điểm kinh doanh tại những nhà ga lớn trên cả nước như Sóng Thần, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Giáp Bát, Hà Nội, Lào Cai và Đồng Đăng.
Trước đây, cả HRT và SRT đều trải qua giai đoạn kinh doanh thua lỗ triền miền. Ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, Đường sắt Hà Nội còn thừa nhận do tác phong phục vụ của nhân viên chưa đáp được yêu cầu khách hàng, nhất là nhóm người lao động lớn tuổi, tồn tại hiện tượng "bao khách" và "bao hàng", các đoàn tàu chưa có wifi.
Trong khi đó, Đường sắt Sài Gòn nhìn nhận họ đưa ra giá vé cao, khó cạnh tranh, chất lượng phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu khách hàng và phương tiện chuyên chở lạc hậu.
Tất Đạt