OPEC cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng cao khi dân số và kinh tế ở các quốc gia đang phát triển bùng nổ. Tổ chức này dự kiến nhu cầu năm 2025 sẽ đạt 105,5 triệu thùng mỗi ngày, nhiều hơn khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày so với dự báo đưa ra năm ngoái. Năm ngoái, thế giới tiêu thụ 97 triệu thùng dầu một ngày.

Nhu cầu ở Trung Quốc chậm lại cùng với việc các quốc gia phương Tây rời bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ khiến tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ chậm lại và gần đạt đỉnh vào giữa thập kỷ tới. Tuy nhiên, OPEC vẫn cho rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt đỉnh gần 110 triệu thùng mỗi ngày từ năm 2040, tăng so với mức 108,1 triệu thùng mỗi ngày mà họ dự báo hồi năm ngoái.

Tổ chức này dự kiến dân số toàn cầu sẽ tăng thêm 1,6 tỷ người từ nay đến năm 2045. 96% mức tăng nằm ở các nước đang phát triển. Do vậy, dù nhu cầu dầu của các nước giàu trong OECD năm 2045 sẽ giảm 10,7 triệu thùng mỗi ngày, nhu cầu các nước ngoài khối lại tăng 23,6 triệu thùng.

-9923-1667293105.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l1I2eX0ZR2TWMbO0s76vuQ

Các bể chứa dầu thô tại Cushing, Oklahoma, Mỹ vào tháng 4/2020. Ảnh: Reuters

Dù tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu sẽ tăng lên rõ rệt, các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên vẫn sẽ thống trị trong nhiều thập kỷ, OPEC cho biết.

Những nhiên liệu này sẽ chiếm khoảng 70% năng lượng toàn cầu năm 2045, giảm so với mức 80% hiện tại. Sự sụt giảm phần lớn sẽ đến từ việc giảm sử dụng than. Trong khi đó, tỷ trọng cung cấp dầu khí sẽ không thay đổi.

OPEC kỳ vọng nhu cầu dầu ngày càng tăng sẽ được chính họ đáp ứng phần lớn. Tổ chức này dự kiến nguồn cung dầu từ các quốc gia OECD sẽ không thay đổi nhiều cho đến năm 2045, trong khi nguồn cung của OPEC sẽ tăng lên 42,4 triệu thùng mỗi ngày, từ mức 31,6 triệu thùng mỗi ngày hiện tại.

Tuy nhiên, ngay cả đối với OPEC, việc đáp ứng sản lượng đó cũng có thể khó khăn. Trong những tháng gần đây, phần lớn thành viên OPEC không thể đạt mục tiêu sản xuất của chính họ.

Vì vậy, OPEC dự kiến ngành công nghiệp này sẽ cần các khoản đầu tư tổng trị giá 12.100 tỷ USD đến năm 2045. Con số này nhiều hơn 300 tỷ USD so với dự kiến vào năm ngoái, để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an ninh năng lượng thế giới.

Khi Liên hợp quốc chuẩn bị cho hội nghị khí hậu tại Ai Cập vào tháng 11, các nước sản xuất dầu mỏ cho biết các khoản đầu tư vào dầu đã bị "coi thường". Họ cảnh báo rằng "thiếu đầu tư kinh niên" có nguy cơ làm trầm trọng thêm khủng hoảng an ninh năng lượng.

"Chúng tôi đánh giá cao những gì mà mỗi nguồn năng lượng có thể cung cấp, từ khả năng chi trả, an ninh năng lượng và nhu cầu giảm phát thải", Haitham al-Ghais, Tổng thư ký OPEC cho biết. Theo ông, tất cả các lựa chọn, giải pháp và công nghệ cùng phải được sử dụng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các khoản đầu tư mới vào nhiên liệu hóa thạch phải tạm dừng nếu thế giới muốn đạt mục tiêu giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở trong tầm kiểm soát. Tuần trước, IEA dự báo nhu cầu nhiên liệu hóa thạch toàn cầu có thể đạt đỉnh ngay sau thập kỷ này, khi cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi xung đột Ukraine thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng xanh hơn.

Phiên An (theo WSJ)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022