Đây là kết quả Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2023, do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố tại Việt Nam chiều 26/1. Khảo sát được tiến hành từ 21/8 - 20/9/2023.
Tỷ lệ này giảm 3,3 điểm % so với khảo sát năm 2022. Dù tham vọng mở rộng vẫn cao nhưng Việt Nam là nước duy nhất trong 6 nước Đông Nam Á chủ chốt có tỷ lệ dự kiến mở rộng giảm.
Tính trên tất cả thị trường châu Á - Thái Bình Dương mà Jetro khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam đứng sau Ấn Độ, Bangladesh và Lào. Như vậy, sau 2 năm liên tiếp Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á, Lào đã vượt lên đứng nhất, với 63,3% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng.
Khách đến mua sắm trong ngày khai trương của Uniqlo Hoàn Kiếm hôm 10/11/2023. Ảnh công ty cung cấp
Phân theo nhóm ngành, tỷ lệ doanh nghiệp ngành chế tạo muốn mở rộng hoạt động là 47,1%, phi chế tạo là 65,5%. Riêng 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản ở Việt Nam được hỏi đều có kế hoạch mở rộng.
"Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường nội địa Việt Nam tăng lên. Thứ hai là khuynh hướng đầu tư nhiều hơn của các doanh nghiệp công nghệ thông tin", ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Jetro tại TP HCM cho biết.
Doanh nghiệp Nhật đánh giá tính hấp dẫn của Việt Nam là thị trường phát triển và tiềm năng trong tương lai. Thế mạnh tiếp theo là tình hình chính trị xã hội ổn định và chi phí nhân công rẻ. "Việt Nam sẽ tiếp tục được quan tâm nhiều trong xu hướng Trung Quốc + 1", ông nhận định.
Tuy nhiên, các rủi ro chính khiến họ e dè là phức tạp trong các thủ tục hành chính, chi phí nhân công tăng và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh mạch. "Một xu hướng cần lưu ý là Việt Nam có lợi thế nhân công rẻ nhưng đồng thời rủi ro là chi phí đang tăng cao", ông Nobuyuki Matsumoto nói. Ngoài ra, theo ông, nơi đây đang "thua" các quốc gia khác trong Đông Nam Á về cơ sở hạ tầng.
Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến có lãi khi làm ăn ở Việt Nam năm 2023 là 54,3%, thấp hơn 6,6 điểm % so với trung bình Đông Nam Á. Nguyên nhân do sụt giảm nhu cầu trong và ngoài nước, chi phí lao động và đầu vào tăng, cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ khác. Sang 2024, một nửa doanh nghiệp được hỏi cho biết lợi nhuận sẽ cải thiện. "Dù xuất khẩu đã có năm khó khăn nhưng dự kiến thời gian tới sẽ phục hồi", ông Nobuyuki Matsumoto nói.
Năm qua, tỷ lệ nội địa hóa của công ty Nhật Bản tại Việt Nam tăng lên 41,9%. Jetro cho hay doanh nghiệp Nhật vẫn có động lực cao trong thúc đẩy hoạt động thu mua tại chỗ, đồng thời kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa của ngành công nghiệp hỗ trợ. "Trong thời điểm tới, nhân sự chất lượng cao như kỹ sư chuyên môn là vấn đề cần được quan tâm", ông Nobuyuki Matsumoto khuyến nghị.
Theo Tổng cục Thống kê, các nhà đầu tư Nhật Bản đã rót gần 6,57 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư năm 2023 và tăng 37,3% so với 2022. Với kết quả này, Nhật Bản đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Viễn Thông