"Trước tình trạng mất cân đối cung cầu, giá có lúc chênh với thế giới tới 20 triệu đồng, cần nghĩ tới chuyện thay đổi, sửa quy định và Nhà nước không nhất thiết độc quyền về một thương hiệu vàng miếng", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách (Quốc hội), nói tại tọa đàm về thị trường vàng, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay.

Do chủ trương chống vàng hóa nên từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, khiến nguồn cung vàng giảm. Ngân hàng Nhà nước lấy SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Ông Hoàng Văn Cường phân tích, với tâm lý tích trữ của người dân, cung vàng không có, trong khi cầu có thực, nên dẫn tới tình trạng mất cân đối cung - cầu, đẩy giá kim loại quý tăng cao.

Điều này cũng dẫn tới bất cập khác của thị trường là liên thông giữa trong nước và thế giới. Do không có quan hệ xuất nhập khẩu vàng, thị trường kim loại quý trong nước và thế giới không cân bằng, dẫn tới tình trạng giá thế giới tăng ít, trong nước đã lên rất cao.

pqt9213-1706154003799281119067-9318-1706176189.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-kb9Of8IrWEx4JJQLnFFqw

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tại tọa đàm về thị trường vàng, ngày 25/1. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, quy định thương hiệu vàng miếng quốc gia, theo Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng dẫn tới bất bình đẳng giữa các thương hiệu vàng khác trong nước. "Giá chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới dẫn tới thiệt hại về mặt xã hội", ông nói, và cho rằng đã tới lúc cần xem lại các quy định về việc độc quyền vàng nữa hay không.

"Nên xem xét cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia vào sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi cung được tự do, cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy dễ hơn và không còn tình trạng khan hiếm nữa", ông Hoàng Văn Cường nhận xét.

Quan điểm không nên duy trì độc quyền một thương hiệu vàng miếng quốc gia cũng nhận được đồng tình của các chuyên gia. "Cần xem lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay", ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam góp ý.

Theo ông, việc duy trì độc quyền vàng miếng SJC dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng, người dân không được hưởng lợi. "Nếu chúng ta quan niệm vàng là một loại hàng hóa giống các nước trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước không cần quản lý trực tiếp thị trường vàng", ông Hùng nói.

Chưa kể, việc không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng tạo "đất" cho buôn lậu mặt hàng này.

Những ngày cuối năm 2023, giá vàng miếng liên tục nhảy múa. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang ổn định trong khoảng 63-64 triệu đồng mỗi lượng, giá vàng miếng SJC có lúc vọt lên mức kỷ lục hơn 80 triệu đồng mỗi lượng. Những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục tăng giảm, thậm chí trong vài giờ và chênh lệch so với thế giới vọt lên 20 triệu đồng. Biên độ mua - bán cũng bị đẩy lên 4-6 triệu đồng, thể hiện mức độ biến động cao của thị trường.

Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành, không để giá vàng nước chênh cao với thế giới. Bộ Công Thương, Công an và Tài chính được Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp thanh tra hoạt động mua bán vàng miếng, vàng nguyên liệu.

Minh Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022