Tại dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng hiện nay xuống còn 2 tháng, kể từ lần thay đổi gần nhất. Tức là, mỗi năm có thể có 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 như hiện nay. Mức điều chỉnh giá sẽ được nhà chức trách đưa ra khi chi phí sản xuất điện biến động 2% trở lên, thấp hơn so với quy định 3% đang áp dụng.

Nói với VnExpress, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP HCM, cho rằng cơ quan quản lý nên điều hành giá điện ổn định hơn, thay vì điều chỉnh liên tục. Bởi doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực tiêu thụ điện nhiều như cơ khí, luôn phải lên phương án, tính toán chi phí sản xuất từ cuối năm trước để có cơ sở làm việc với đối tác vào năm sau. Do vậy, việc điều chỉnh liên tục trong năm sẽ khiến họ bị động trong tính toán kế hoạch, dự trù chi phí.

Chưa kể, giá năng lượng điều chỉnh quá nhiều lần trong năm sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng. Trong khi mức bán sản phẩm lại không thể tăng ngay theo chi phí, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp. "Thậm chí, với nhiều đối tác, chúng tôi phải có chính sách để hạ dần giá bán nhằm cạnh tranh", đại diện một doanh nghiệp sản xuất hàng bán lẻ tại Hà Nội nói.

Thông thường, điện chiếm 4-10% trong cơ cấu giá vốn hàng bán của doanh nghiệp, tùy quy mô, lĩnh vực. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Thành Công cho biết tỷ lệ này trong ngành sản xuất thép là 10%, hóa chất 9%, giấy 4-5%, xi măng 14-15%.

Với nền kinh tế, theo tính toán của ngành thống kê, giá năng lượng tăng 8% thì GDP giảm 0,36%, trong khi làm CPI tăng 0,4-0,5% (cả trực tiếp và gián tiếp). Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng giá mặt hàng này cần có kế hoạch, lộ trình và mức độ, thời điểm phù hợp. Điều này đảm bảo tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

erav-vn-gia-dien-mua-cao-ban-t-4670-2131-1735617852.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=01d3oUaYYO2viShHCPOdBQ

Nhân viên điện lực thi công trên đường dây. Ảnh: EVN

Ở góc độ khác, theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), chính sách điều chỉnh cần rút ngắn, kịp thời và sát chi phí thực tế sản xuất điện trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào (than, khí, dầu...) thường xuyên biến động theo thế giới. Việc này cũng giúp giảm áp lực, rủi ro về tài chính cho doanh nghiệp cung cấp điện và khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Thực tế, việc điều chỉnh giá năng lượng thời gian qua không diễn ra định kỳ như quy định. Hiện giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 05/2024, thời gian giữa hai lần thay đổi là 3 tháng khi chi phí đầu vào làm giá thành tăng từ 3% trở lên. Nhưng năm nay nhà chức trách mới tăng giá một lần, vào giữa tháng 10, ở mức 4,8%.

Trước đó, Quyết định 24/2017 cho phép tối thiểu 6 tháng thay đổi một lần, song giá năng lượng chỉ tăng 4 lần trong 8 năm (2017-2023). Cụ thể, năm 2017, điện tăng 6,08%, hai năm sau điều chỉnh 8,36%. Mức này được giữ trong 4 năm, tới tháng 5 và 11/2023 thêm lần lượt 3% và 4,5%. Giải thích ở thời điểm đó, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nêu cái khó là tại một số thời điểm, điện cần kìm giữ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này khiến giá năng lượng trong nước chưa phản ánh đầy đủ biến động chi phí, vốn đã tăng nhiều so với trước.

Nói cách khác, giá điện được đánh giá chưa theo cơ chế thị trường, dẫn tới ngành này gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, phát triển nguồn và lưới, theo giới chuyên gia. Hai năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ khoảng 47.500 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn này lỗ thuần từ kinh doanh gần 26.000 tỷ đồng trong năm ngoái, chủ yếu do giá bán ra thấp hơn chi phí sản xuất. Hồi giữa năm nay, mỗi kWh bán ra doanh nghiệp này lỗ hơn 200 đồng.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình đặt vấn đề về tính khả thi đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương. Theo ông, quy định điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần chưa được thực thi đầy đủ, nghiêm túc, thì việc đề xuất rút ngắn xuống 2 tháng "có làm được không".

Mặt khác, việc minh bạch chi phí sản xuất cho từng loại nguồn điện, khâu vận hành - cơ sở đưa ra mức giá phù hợp cũng là bài toán được đặt ra. Ông Đình dẫn ví dụ ở Thái Lan, điện khí LNG chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn của nước này. Tuy nhiên, LNG trên thị trường thế giới biến động liên tục, nên họ điều chỉnh giá thành 3 tháng một lần, làm cơ sở thay đổi mức bán lẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chi phí sản xuất, kinh doanh điện thường công bố mỗi năm 1 lần nên nhiều người vẫn băn khoăn về tính minh bạch, hiệu quả của ngành, nhất là khi thị trường điện chưa cạnh tranh hoàn toàn.

"Việt Nam nên thành lập Hội đồng Năng lượng độc lập, đánh giá nhiên liệu đầu vào và định kỳ 3 tháng họp một lần. Sau đó, họ có thể được quyết định điều chỉnh giá theo quy định", chuyên gia này nói thêm.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói để minh bạch, ngành điện cần kiểm toán độc lập với chi phí đầu vào, quản lý kinh doanh. Việc minh bạch này là cần thiết, giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, người dân dễ dàng chấp thuận, không gây các phản ứng trái chiều khi tăng giá.

Về lâu dài, giới chuyên môn cho rằng để giá điện theo thị trường, nhà điều hành cần sớm áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần, thay vì điều chỉnh tần suất tăng, giảm trong năm.

Việt Nam đang áp dụng giá điện một thành phần, tức tiền trả theo sản lượng dùng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng.

Với giá hai thành phần, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, họ vẫn phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay. Việc này nhằm minh bạch, không bù chéo giữa các đối tượng và giúp ngành điện tính đúng, đủ chi phí.

Việc thí điểm giá điện hai thành phần đang được nhà chức trách nghiên cứu. Theo báo cáo gửi Bộ Công Thương hồi tháng 11, EVN đề xuất thí điểm giá loại này theo từng giai đoạn, trước mắt với các khách hàng dùng điện lớn. Số này gồm nhóm dùng điện sinh hoạt trên 2.000 kWh một tháng hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo 3 cấp điện áp (cao áp 110 kV trở lên, trung áp từ 6 kV đến dưới 110 kV và hạ áp dưới 6 kV). Trong đó, giá công suất (đồng/kW/tháng) dự kiến được tính theo cấp điện áp, còn mức điện năng (đồng/kWh) theo giờ bình thường - cao - thấp điểm.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022