Trong một lá thư gửi Cao ủy Quyền riêng tư về Dữ liệu Cá nhân Hong Kong, Liên minh Internet Châu Á, bao gồm Facebook, Twitter, Google, bày tỏ quan ngại về kế hoạch sửa đổi luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của chính quyền thành phố, xoay quanh việc chống lại hành vi "doxing".
Doxing là một thuật ngữ mô tả quá trình sử dụng các công cụ Internet để thu thập hoặc phát tán thông tin cá nhân của một ai đó nhằm quấy rối. Hồi tháng 5, Văn phòng các vấn đề đại lục và hiến pháp Hong Kong đã đề xuất sửa đổi luật bảo vệ dữ liệu của thành phố nhằm chống lại doxing, vốn bắt đầu nở rộ từ các cuộc biểu tình hồi 2019.
Cơ quan này đề xuất các hình phạt lên đến một triệu đôla Hong Kong (khoảng 128.800 USD) và phạt tù lên đến 5 năm. Các công ty công nghệ cho rằng, kế hoạch sửa luật có thể khiến các nhân viên của họ tại Hong Kong gặp rủi ro bị điều tra, hay truy tố liên quan đến hoạt động doxing của người dùng.
"Cách duy nhất để tránh các lệnh trừng phạt này đối với các công ty công nghệ là từ chối đầu tư và cung cấp dịch vụ ở Hong Kong", bức thư được Liên minh Internet châu Á có trụ sở tại Singapore, gửi đi hôm 25/6 viết.
Ứng dụng Facebook, Twitter, Google trên một điện thoại người dùng ở Hong Kong. Ảnh: WSJ.
Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á, nói rằng tổ chức này phản đối hành vi doxing. Tuy nhiên, những từ ngữ mơ hồ trong đề xuất sửa đổi đặt các công ty công nghệ và nhân viên của họ vào rủi ro có thể bị truy tố bởi hành vi doxing của người dùng nền tảng mà họ cung cấp.
Bức thư đánh giá động thái của Hong Kong là phản ứng quá mức cần thiết và lưu ý rằng những sửa đổi được đề xuất có thể hạn chế quyền tự do ngôn luận và hình sự hóa ngay cả "những hành vi vô tội trong việc chia sẻ thông tin trực tuyến". Vì vậy, Liên minh đề nghị chỉ ra các hành vi vi phạm một cách rõ ràng hơn và tổ chức gặp gỡ trực tuyến các bên để đóng góp ý kiến.
Phát ngôn viên của Cao uỷ Quyền riêng tư về Dữ liệu Cá nhân xác nhận đã nhận được bức thư. Bà cho biết cần phải có các quy tắc mới để giải quyết vấn đề doxing, vốn đã thách thức "các giới hạn của đạo đức và luật pháp".
Chính quyền Hong Kong đã xử lý hàng nghìn trường hợp liên quan đến doxing kể từ năm 2019. Phía Cao ủy cho biết, khảo sát của công chúng và các tổ chức cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các biện pháp bổ sung để hạn chế doxing. Bởi lẽ, các sĩ quan cảnh sát và các nhân vật đối lập đã bị làm phiền trong nhiều tháng biểu tình vào năm 2019.
Theo người phát ngôn, "các sửa đổi sẽ không liên quan đến quyền tự do ngôn luận", được quy định trong luật và phạm vi vi phạm sẽ được quy định rõ ràng trong các sửa đổi. Chính quyền "phản đối mạnh mẽ bất kỳ ý kiến nào cho rằng các sửa đổi có thể ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài tại Hong Kong".
Đại diện của Facebook, Twitter và Google từ chối bình luận về bức thư ngoài việc xác nhận rằng Liên minh đã gửi nó. Các công ty không tiết lộ số lượng nhân viên mà họ có ở Hong Kong.
Mặc dù dân số của Hong Kong chỉ khoảng 7,5 triệu, không phải là một thị trường lớn về cơ sở người dùng, nhưng các công ty nước ngoài thường coi trọng luồng thông tin tự do ở Hong Kong, bởi vị thế trung tâm tài chính của nó. Bức thư được đưa ra trong bối cảnh các công ty toàn cầu ngày càng cân nhắc xem có nên rời hòn đảo để đến các thành phố có môi trường kinh doanh hiếu khách hơn không.
Paul Haswell, người đứng đầu bộ phận công nghệ, truyền thông và luật viễn thông công ty luật Pinsent Masons (Hong Kong) cho rằng những lo ngại của các hãng công nghệ là có cơ sở. Tùy thuộc vào từ ngữ trong luật, các công ty dù có trụ sở chính bên ngoài đặc khu nhưng các nhân viên của họ tại đây có thể bị luật áp trách nhiệm về những gì người dùng đăng tải.
Theo vị chuyên gia, các đề xuất sửa đổi cho thấy ngay cả một bức ảnh không đẹp của một người được chụp ở nơi công cộng, hoặc khuôn mặt của một sĩ quan cảnh sát cũng có thể được gọi là dữ liệu cá nhân. Nếu bức ảnh được đăng lên mạng và được kết luận là cố ý gây hại thì cũng có thể cấu thành tội danh.
"Nếu không được quản lý một cách thông thường, các quy tắc mới có thể khiến việc đăng bất cứ thứ gì liên quan đến một cá nhân khác trên Internet có thể trở thành nguy cơ tiềm ẩn", ông nói.
Phiên An (theo WSJ)