Cả năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch, Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) chỉ phục vụ hơn 4,6 triệu suất ăn, giảm khoảng 42,5% so với năm 2019. Do đó, doanh thu của NCS giảm gần 60% xuống 275,2 tỷ đồng.
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng lợi nhuận, đại gia suất ăn hàng không đã lỗ hơn 38 tỷ đồng, vượt kế họach đề ra hơn 18 tỷ. Đây cũng là tình trạng chung của phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực này năm vừa qua.
Để tồn tại trong lúc triển vọng phục hồi của ngành hàng không vẫn chưa rõ ràng, NCS đã phải phát triển các kênh bán, đối tượng khách hàng mới, thay vì chỉ phụ thuộc vào các hãng bay như trước đây. Công ty này đang thông báo tuyển nhà nhà phân phối, đại lý để đưa các sản phẩm như bánh mỳ, bánh ngọt, suất ăn tiện lợi xuống phố...
NCS cũng mới ra mắt sản phẩm trà sữa phân phối tại một số cửa hàng bán lẻ ở Hà Nội. Đồng thời, hãng đang tự bán hàng online trên website "Bếp trên mây" của chính mình như giò xào, cơm chiên, xôi gà, mỳ Ý...
Trà sữa của NCS trên kệ một cửa hàng bán lẻ ở Hà Nội. Ảnh: VNA
NCS cho biết từ tháng 9 năm ngoái, doanh thu mảng phi hàng không tăng mạnh, trong đó mảng bánh trung thu đóng góp 3,2 tỷ đồng. Trong quý IV, công ty cũng trúng thầu cung cấp suất ăn cho một hệ thống trường tiểu học và thu về được 4,7 tỷ đồng.
Tính chung cả năm ngoái, doanh thu mảng phi hàng không của NCS tăng trưởng hơn 66% lên 15 tỷ đồng. Nguồn thu này tuy khá nhỏ (chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu), nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng khi giúp công ty duy trì dây chuyền sản xuất trong bối cảnh khó khăn của ngành hiện nay.
Năm nay, NCS đạt mục tiêu doanh thu mảng phi hàng tăng lên, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu. Định hướng giai đoạn 2021 - 2025, NCS đặt kế phát triển thêm các sản phẩm suất ăn phi hàng không, mở rộng kênh phối cả gián tiếp và trực tiếp qua đại lý, siêu thị...
Tương tự, tại thị trường phía Nam, Xí nghiệp Suất ăn hàng không Tân Sơn Nhất (VACS) cũng định hướng phát triển sản phẩm mới cho thị trường trong nước với slogan "Both Cloud and Ground" - phục vụ đồ ăn trên không cho khách hàng dưới mặt đất.
Gần đây, công ty TNHH Suất ăn hàng không VINACS Cam Ranh (VINACS) cũng quyết định mở rộng thị trường cung cấp suất ăn hàng không của mình cho các khách sạn có công dân cách ly khi về nước. Theo lãnh đạo công ty, đây vừa là giải pháp tạo việc làm cho người lao động, và cũng là bước đệm cần thiết để doanh nghiệp mở rộng thị trường. Sau các khách sạn, VINACS tham vọng sẽ hợp tác với các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, công ty lữ hành... để cung cấp suất ăn hàng không chất lượng với giá bình dân.
Dù tích cực chuyển mình, các doanh nghiệp này sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức bởi thị trường bán lẻ hiện nay đã khá chật chội, cũng như kênh phân phối của các hãng còn hạn chế, giới hạn khả năng tiếp cận người tiêu dùng.
Trên thế giới, thời gian qua các doanh nghiệp trong ngành hàng không cũng phải tìm đến bán lẻ các sản phẩm tương tự để có thêm dòng tiền trong mùa dịch. Air North - hãng hàng không 43 năm tuổi tại Canada ra mắt dịch vụ giao tận nhà suất ăn máy bay như bánh thịt bò xay giá 9 đôla Canada (6,88 USD) hay các loại bánh phô mai giá 13,99 đôla Canada. Khách hàng cũng có thể đặt tối đa 20 suất ăn đã được nấu chín và sẽ được giao đến nhà vào hôm sau.
Singapore Airlines mở nhà hàng trên chính chiếc A380 để thu hút những hành khách lâu không được đi và ăn đồ ăn trên máy bay. Thai Airways cũng đã mở nhà hàng phục vụ mỗi ngày 2.000 suất ăn như trên máy bay.
Anh Tú