Sáu tháng đầu năm nay, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều ở mức dương. Trong đó, Hải Phòng có GRDP tăng trưởng cao nhất và cũng là thành phố duy nhất có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hai con số. Mức tăng trưởng 13,52% của Hải Phòng trong kỳ này cao hơn 6 tháng đầu năm 2020. Dù bị ảnh hưởng của Covid-19, Hải Phòng vẫn giữ mức tăng trưởng cao so với các tỉnh, thành phố khác, đứng thứ 4 cả nước và thứ 2 vùng trọng điểm Bắc Bộ.
Xếp sau với khoảng cách không quá chênh lệch nhau, lần lượt là Hà Nội (5,91%), Cần Thơ (5,61%) và TP HCM (5,46%). Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hà Nội kỳ này cao hơn 6 tháng đầu năm ngoái nhưng thấp hơn cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, mức tăng trưởng của Cần Thơ được đại diện Cục Thống kê thành phố này đánh giá là điểm sáng trong nền kinh tế. Còn kinh tế TP HCM kỳ này cũng tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức ước tính của 6 tháng đầu năm ngoái. Nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng thấp thứ nhì của TP HCM trong 10 năm qua.
Riêng Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng GRDP thấp nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương, đạt 4,99%. Ngay cả khi so sánh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chỉ số tăng trưởng Đà Nẵng vẫn kém Quảng Nam (11,72%) và Thừa Thiên - Huế (5,64%). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là thành phố này cũng đã thoát khỏi đà tăng trưởng âm của 6 tháng năm 2020.
Động lực tăng trưởng kinh tế 6 tháng của các thành phố trực thuộc Trung ương có sự phân hóa. 5 thành phố có cùng cơ cấu kinh tế: trọng khu vực dịch vụ, còn công nghiệp - xây dựng đứng thứ nhì và xếp cuối là nông nghiệp.
Tuy nhiên, Hải Phòng lại có động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khu vực công nghiệp - xây dựng. Theo Cục Thống kê Hải Phòng, ngành công nghiệp giữ vai trò "đầu tàu" của nền kinh tế thành phố.
Với 4 thành phố còn lại, khu vực dịch vụ là nhóm ngành đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế. Cục Thống kê Đà Nẵng xác định, dịch vụ là bệ đỡ chính cho tăng trưởng của cả nền kinh tế thành phố trong 6 tháng đầu năm 2021. Tại TP HCM, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm 58,1% trong GRDP.
Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất có động lực tăng trưởng kinh tế từ công nghiệp - xây dựng. Đồ họa: Tất Đạt.
Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, ngành bán lẻ hàng hóa và nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo là điểm sáng đồng nhất ở kinh tế 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tại Cần Thơ, doanh thu bán lẻ hàng hóa đóng góp nhiều nhất vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng, chiếm 83,8% tổng mức thu. Con số trên ở Hải Phòng là gần 83%, Đà Nẵng hơn 70%, Hà Nội hơn 68% và TP HCM là 56%.
Với công nghiệp chế biến - chế tạo, cả 5 thành phố đều ghi nhận chỉ số sản xuất tăng trưởng tốt. Nổi bật trong đó là các ngành như chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất phân bón, sản xuất linh kiện điện tử...
Trong 6 tháng qua, du lịch lữ hành là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Cục Thống kê Hà Nội nhận định, từ cuối tháng 1 đến nay, Covid-19 tiếp tục bùng phát 2 đợt khiến ngành du lịch thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các hoạt động du lịch phải tạm dừng trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách sụt giảm, các công ty lữ hành gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động kinh doanh, tài chính và lao động.
Cục Thống kê Đà Nẵng cho rằng, du lịch là ngành duy nhất vẫn rất khó khăn, ngược hẳn xu hướng phục hồi chung của toàn khu vực dịch vụ. Hải Phòng cũng xác định, đây là ngành thiệt hại nhiều nhất trong làn sóng dịch thứ 4.
Do ít chịu ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng muộn, du lịch TP HCM và Cần Thơ ghi nhận các con số tích cực hơn. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ, ước tính 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch đạt hơn 2,1 triệu lượt, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.503 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
TP HCM là thành phố trực thuộc Trung ương có lượt khách du lịch cao nhất cả nước. Dù không có khách quốc tế, lượng khách du lịch nội địa tăng 0,3% so với cùng kỳ cũng giúp địa phương này đạt 7,75 triệu lượt khách.
Tất Đạt
TP HCM hiện đứng thứ hai cả nước về số ca nhiễm trong đợt dịch lần này. Tính đến sáng 2/7, thành phố ghi nhận gần 4.500 ca và được dự báo tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, Cần Thơ mới ghi nhận một ca nhiễm, Hải Phòng 13 ca, Đà Nẵng hơn 240 ca và Hà Nội hơn 460 ca. Cả 4 thành phố (trừ TP HCM) đều trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới.