Chiều 31/3, Bộ Công Thương họp công bố giá thành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Số liệu này được đưa ra sau khi Bộ lập đoàn kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của EVN. Đây sẽ là cơ sở để Bộ và EVN tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Theo Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm ngoái của EVN là trên 493.265 tỷ đồng, tương đương giá sản xuất 2.032,26 đồng một kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

So với giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 1.844,64 đồng một kWh từ tháng 3/2019 đến nay, EVN lỗ 187,62 đồng mỗi kWh điện bán ra. Cả năm ngoái, tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Nhưng nếu trừ đi các thu nhập tài chính khác, EVN lỗ gần 26.236 tỷ đồng.

dien-EVN-Ngoc-Thanh-9389-1680256851.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=S7d6BiTJ_oVNWr-Z8BxIqA

Nhân viên điện lực Hà Nội sửa chữa trên đường dây. Ảnh: Ngọc Thành

Lý giải việc giá sản xuất điện tăng, Bộ Công Thương cho hay chủ yếu do khâu phát điện đi lên, năm ngoái là hơn 412.243 tỷ đồng - tăng gần 21,5% so với 2021. Chi phí này tương đương giá sản xuất khâu phát điện là 1.698,45 đồng một kWh, tăng 12,75% so với 2021.

Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thông tin thêm, giá nguyên liệu (than, khí) và tỷ giá leo thang cũng là nguyên nhân khiến chi phí mua điện của EVN tăng. Chẳng hạn, than pha trộn tăng 34,7-46,7% so với giá cùng loại 2021; còn giá than nhập khẩu tăng 163% so với bình quân 2021. Tháng 4/2022, giá than nhập tăng 411% so với bình quân 2021. Việc này dẫn tới mua điện từ các nhà máy điện than tăng cao.

Ở khâu truyền tải điện, giá thành sản xuất tương đương 68,44 đồng một kWh, cao hơn 5,56% so với 2021. Ngoài ra, khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia hơn 387,5 tỷ đồng.

Riêng với khâu phân phối - bán lẻ và phụ trợ quản lý, ghi nhận giá thành lần lượt 257,68 đồng một kWh và 6,69 đồng một kWh. So với năm 2021, giá sản xuất các khâu này thấp hơn 8,31% và 0,17%.

Năm 2022, sản lượng điện thương phẩm bán ra của EVN là 242,72 tỷ kWh. Doanh thu bán điện 456.971 tỷ đồng, tăng 9,31% so với 2021. Mức này tương ứng giá bán bình quân 1.882,73 đồng một kWh, tăng 1,46% so với 2021.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN nói do gánh khoản lỗ lớn năm ngoái nên hiện tài chính của tập đoàn này rất khó khăn. EVN đã đề xuất, trình Bộ Công Thương và cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh giá điện năm nay.

Với việc giá thành sản xuất điện năm ngoái tăng 9,27%, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 24 thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương sau khi EVN báo cáo. Giá bán lẻ điện bình quân hiện duy trì mức 1.844,64 đồng một kWh từ tháng 3/2019, tức 4 năm chưa điều chỉnh.

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá tuần trước, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, giá điện "chắc chắn sẽ điều chỉnh thời gian tới".

Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói thêm, phương án điều chỉnh giá điện tới đây sẽ được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, trường hợp giá điện sinh hoạt tăng 5% thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm nay tăng 3,9%. Nếu giá điện sinh hoạt tăng 7% thì CPI bình quân tăng 4,4%. Còn CPI bình quân tăng khoảng 4,8% nếu giá điện sinh hoạt tăng 8% năm nay.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022