Bộ trưởng Kinh tế Đức Christian Lindner cho hay nước Đức đang "trong giai đoạn đầu của thời kỳ cải tổ". Lindner nói thêm rằng điều họ cần hiện tại là "một cốc cà phê ngon lành", tức là tái cấu trúc nhưng không nói chi tiết về việc này.

"Tôi biết các bạn đang nghĩ gì: Đức có lẽ là người ốm của châu Âu. Nhưng không, nước Đức chỉ là một người mệt mỏi sau khi thức dậy", ông nói.

Kinh tế Đức bị gắn mác "người ốm của châu Âu" cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Đức sau đó thực hiện hàng loạt cải cách trên thị trường lao động. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã bùng nổ suốt cả thập kỷ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, nước này liên tiếp trải qua nhiều năm khủng hoảng. Các dự báo về tốc độ tăng trưởng thấp có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh với họ.

2024-01-19t103424z-1340665970-6517-9353-1705721005.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B7DP08dSrZFOVaY5FyNIvw

Bộ trưởng Kinh tế Đức Christian Lindner tại WEF hôm 19/1. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, GDP Đức giảm 0,3%, trong bối cảnh lạm phát kéo dài, giá năng lượng cao và nhu cầu nước ngoài yếu. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Covid-19, Đức tăng trưởng âm.

Lindner cho biết năm 2023, họ đã gặp nhiều thách thức, từ sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo đến sự phân mảnh của kinh tế toàn cầu. Gần như tất cả lĩnh vực kinh đều đi xuống năm ngoái, nhất là sản xuất. Ngành này chịu tác động khi nhu cầu của Trung Quốc giảm, chi phí năng lượng tăng và lãi suất cao.

Chi tiêu của các hộ gia đình và chính phủ cũng giảm. Chi tiêu công của Đức hạ lần đầu sau gần 20 năm.

Trong cuộc phỏng vấn một ngày trước đó trên Reuters, Lindner kỳ vọng trong trung hạn, Đức sẽ đạt tăng trưởng cao hơn. Dù vậy, các nhà kinh tế học cho biết các yếu tố kéo tụt đà tăng của kinh tế Đức vẫn tồn tại trong những tháng đầu 2024, thậm chí có thể có tác động lớn đến nước này.

Hà Thu (theo Reuters, CNN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022