Trong 866 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV có 30 doanh nhân và phần lớn là lần đầu ứng cử. Chia sẻ với VnExpress, hầu hết mong muốn có thể truyền tải nguyện vọng cử tri, góp ý kiện toàn khung khổ pháp lý về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Danh sách 30 doanh nhân ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV

Ưu tiên cho TP HCM - đầu tàu kinh tế

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Tập đoàn Hoà Bình - là một trong những người lớn tuổi nhất nhưng là gương mặt mới ứng cử kỳ này.

Chia sẻ với VnExpress về lý do ứng cử, ông nói tha thiết đóng góp vào sự ra đời của các quyết sách mang tầm quốc gia sau khi theo dõi nhiều khoá Quốc hội và nhất là khi hiện có thời gian nhiều hơn cho nghiên cứu, xây dựng và phản biện chính sách. Cuối năm 2020, ông đã chuyển giao điều hành Tập đoàn Hòa Bình cho con trai.

Le-Viet-Hai-1-jpeg-5295-1621359595.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=igSbj9rTYjyt4GhXAJ1PMA

Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Tập đoàn Hoà Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Hải ứng cử tại TP HCM và một trong những ưu tiên hàng đầu nếu trúng cử là đấu tranh để "đầu tàu kinh tế của đất nước" được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Theo ông, ngân sách để đầu tư phát triển thành phố 20 năm trở lại đây rất hạn chế. Trong khi các địa phương khác được giữ lại tỷ lệ lớn, TP HCM chỉ khoảng 18%. Điều này khiến thành phố không đủ nguồn lực giải quyết triệt để bài toàn hạ tầng, kéo theo tình trạng kẹt xe, giảm chất lượng cuộc sống và kìm hãm phát triển kinh tế.

"Đầu tàu mạnh mới đủ sức kéo những toa tàu khác tiến về phía trước", ông Hải nói, đồng thời nhấn mạnh sẽ nghiên cứu con số phù hợp để TP HCM vẫn là địa phương đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách đất nước.

Một doanh nhân khác ứng cử đại biểu Quốc hội tại TP HCM là ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến cũng cùng quan điểm này. Ông Cường, một trong 8 doanh nhân dưới 40 tuổi ứng cử, nhìn nhận, mỗi phần trăm tỷ lệ tăng thêm đủ cho TP HCM đầu tư các dự án kết nối địa phương như tuyến đường cửa ngõ, cao tốc liên vùng... để tạo sức mạnh tổng lực cho khu vực, đặc biệt là khu vực phía Nam. Ngân sách được giữ lại tăng lên không chỉ giải quyết được vấn đề hạ tầng đang nhức nhối, mà còn như một khoản đầu tư sinh lời dài hạn.

Trinh-Chi-Cuong-2-5666-1621359595.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=54Bpoa-l-29xggTgox8FCQ

Ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Riêng với ông Lê Viết Hải, người đứng đầu Hoà Bình còn muốn thúc đẩy công nghiệp xây dựng thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đóng góp vào quy hoạch đô thị, phát triển TP HCM và xây dựng cơ chế đặc biệt cho thành phố mới Thủ Đức. Là người trong ngành xây dựng, ông Hải cũng ưu tiên việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các luật, tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, quản lý đất đai...

Ngoài các vấn đề về TP HCM, ông Trịnh Chí Cường dự kiến tập trung vào đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử - xã hội số, ứng dụng công nghệ vào đồi sống và tăng cường giao thương với nước ngoài trong bối cảnh uy tín Việt Nam đang tăng lên trên bản đồ thế giới

Thể chế cho doanh nghiệp phát triển sát thực tiễn

Đánh giá về sự tham gia của các doanh nhân vào đợt bầu cử kỳ này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính kỳ vọng họ sẽ giúp thay đổi, sửa đổi những cơ chế, chính sách chưa phù hợp thực tiễn của Quốc hội. Điều này là nền tảng giúp các doanh nghiệp phát triển vững chắc hơn.

Quan điểm này cũng là cam kết của ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank). Ông Phạm Đức Ấn tự tin những kinh nghiệm tích luỹ được sẽ giúp xây dựng thể chế, pháp luật, trong đó môi trường hoạt động của doanh nghiệp, sát với thực tiễn, có tính khả thi cao.

Pham-Duc-An-Agribank-jpeg-9769-1621359595.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=okyoh1vJ_6fhHX7IXhcokQ

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chủ tịch Agribank nói sẽ quan tâm tới hoạt động giám sát tối cao, nhất là giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, an toàn thực phẩm, quy hoạch... "Qua giám sát sẽ phát hiện những khe hở, quy định thiếu thực tiễn, thiếu khả thi để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế, nhằm hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật", ông giải thích.

Còn ông Lê Xuân Quế - Phó tổng giám đốc thứ nhất Tập đoàn Sao Mai, người ứng cử tại An Giang, cho biết sẽ ưu tiên tăng tính phản biện xã hội, tránh tình trạng nể nang giữa người chất vấn (cán bộ chính quyền cấp dưới) và người bị chất vấn (chính quyền cấp trên). Đây là một trong những động lực thôi thúc ông ứng cử khoá XV.

Ông Quế cho rằng, xu hướng và yêu cầu hiện nay là phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách và đại biểu nằm ngoài hệ thống chính quyền. Tiếng nói của doanh nhân sẽ phản ánh chân thực đời sống xã hội, nhất là khi kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nói thêm về vai trò của doanh nhân tại nghị trường, ông Trịnh Chí Cường cho rằng khả năng phân tích hiện trạng và quyết liệt đấu tranh của doanh nhân để đưa ra quyết sách phù hợp chính là điều cử tri quan tâm.

"Khác nhau lớn nhất giữa thương trường và nghị trường là độ dài chiến lược và tầm ảnh hưởng", ông Cường nói. Các quyết định của Quốc hội thường có ảnh hưởng dài hạn 20-50 năm trong khi quyết định của cá doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp mang tính tức thời hơn.

Nhưng ông Cường tin rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay có tầm nhìn dài hạn 10-20 năm, thậm chí hơn và quản lý theo mô hình phân cấp nên khoảng chênh giữa hai vai trò trên thương trường và nghị trường đã thu hẹp đáng kể.

Hướng về nông thôn

Phần lớn trong số các doanh nhân lần đầu ứng cử kỳ này thuộc thế hệ 8x, trong đó trẻ nhất là bà Nguyễn Thị Kim Thoa, 34 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Abavina.

Nguyen-Thi-Kim-Thoa-tre-nhat-7619-1621359595.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HjSqHA2JlB6r9hNxd_Oqpw

Nguyễn Thị Kim Thoa - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Abavina (Cần Thơ). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Thoa cho biết không cảm nhận sự khác biệt khi tham gia thương trường và nghị trường, bởi ở vai trò nào thì cũng đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

Quá trình thực hiện các dự án cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân miền Tây giúp bà nhận ra nhiều nghịch lý và bất cập như tình trạng "được mùa rớt giá, khó tiếp cận vốn đầu tư, thu nhập bình quân thấp hơn nhiều so với lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Bà cam kết sẽ truyền tải ý nguyện của doanh nghiệp nhỏ, nông dân và người khởi nghiệp đến Quốc hội nếu trúng cử.

Người đứng đầu Abavina cũng muốn nghiên cứu các chính sách phát triển đặc thù để hỗ trợ nông dân, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương và tạo ra các sản phẩm đáp ứng thị trường.

Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng lần đầu ứng cử và chọn Cà Mau - tỉnh ở cực Nam đất nước. Ông khẳng định sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác, kêu gọi các doanh nghiệp trong khối doanh nghiệp trung ương tới Cà Mau. Việc này theo ông sẽ giúp tăng đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản xuất, giúp nơi đây phát triển kinh tế địa phương.

Trong chương trình hành động của mình, ông Hùng còn cam kết dành tối đa thời gian làm việc với các cử tri để nắm bắt khó khăn, cơ hội và nghiên cứu những đặc thù, lợi thế của địa phương.

Riêng PVN, tập đoàn này sẽ triển khai loạt chương trình an sinh xã hội phối hợp với đào tạo, tạo việc làm, để cùng Cà Mau giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất.

Ngày 23/5, công dân từ 18 tuổi trên cả nước sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Cả nước có 866 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử. Dự kiến Quốc hội khóa XV có 500 người.

Hoài Thu - Phương Đông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022