Tại họp báo Chính phủ chiều 1/12, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay khối lượng phát hành trái phiếu đang giảm. Tới ngày 25/11, số liệu của bộ này cho thấy, lượng trái phiếu phát hành đạt 331.800 tỷ đồng, giảm gần 32% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, hiện tượng mua lại trái phiếu trước hạn tăng nhanh. Khối lượng trái phiếu được mua lại là 161.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại họp báo Chính phủ. Ảnh: VGP
"Trái phiếu chưa đến hạn nhưng doanh nghiệp đã mua lại hoặc nhà đầu tư đề nghị mua lại, điều này phản ánh khó khăn của thị trường. Niềm tin giảm sút ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp", Thứ trưởng Chi nhận xét.
Giải pháp trước mắt theo Thứ trưởng Tài chính là củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trả nợ đúng hạn trái phiếu, công ty phát hành bảo lãnh phát hành phải thực hiện đúng thoả thuận; chủ động công bố công khai để nhà đầu tư có phương án.
Cơ quan này cũng đẩy nhanh rà soát pháp lý, sửa Nghị định 65 vừa được ban hành để báo cáo Chính phủ điều chỉnh phù hợp. Việc này nhằm tăng tính công khai minh bạch của thị trường, xử lý các vấn đề bất cập và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Với các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, Thứ trưởng Tài chính cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục phát triển bền vững, lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư.
Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay việc chấn chỉnh thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, vốn, bất động sản... có thể tác động tới tâm lý nhưng "không thể không làm", bởi cần xử lý người sai, bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xử lý các vấn đề liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp; sửa đổi nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp.
Anh Minh