Thai Beverage (ThaiBev) vừa công bố kế hoạch đầu tư 8 tỷ baht (tương đương 223 triệu USD) cho năm sau, theo Asia Nikkei. Trong đó, khoảng 30% rót vào các mảng kinh doanh ngoài bia gồm khoảng 1,1 tỷ baht cho thực phẩm, 300-400 triệu baht cho đồ uống không cồn và 600-800 triệu baht vào rượu chưng cất. Phần còn lại dành để phát triển các lĩnh vực hậu cần, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm y tế.

Công ty đồ uống lớn nhất Thái Lan còn dự kiến mở 70 nhà hàng mới đến cuối năm 2023, tăng 10% so với 700 điểm kinh doanh hiện có. Ngoài ra, trạm sạc xe điện cũng là lĩnh vực ThaiBev thử nghiệm tại hai cửa hàng KFC (do công ty này điều hành tại Thái Lan) trong năm nay. Nếu thành công, công ty có kế hoạch triển khai diện rộng tại các cửa hàng hiện có và các trung tâm thương mại lớn ngay trong năm sau.

1200x-1-1596-1669881754.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NNbErpy6UQetb1iYM7ksBg

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - nhà sáng lập Thai Beverage. Ảnh: Bloomberg

Doanh nghiệp của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi tích cực đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trong bối cảnh triển vọng ngành bia - vốn chiếm khoảng 90% tổng doanh thu công ty - ngày càng mù mịt. Theo Asia Nikkei, xu hướng tiêu dùng hướng tới ý thức về sức khỏe nhiều hơn dự kiến khuấy động môi trường thị trường đồ uống có cồn trong thời gian dài.

Tương lai của Thai Beverage bị ảnh hưởng phần nào khi Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) kinh doanh không mấy khả quan. Trong quý III, doanh thu Sabeco chỉ đạt hơn 8.600 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra đại dịch. Mặc dù đã tăng giá bán, tốc độ phục hồi doanh số bán hàng sau đại dịch vẫn tương đối chậm.

Sau 9 tháng, doanh nghiệp này tốn hơn 50 tỷ đồng chi phí tài chính. Trong khi chi phí lãi vay được tiết giảm, Sabeco lại chịu lỗ chênh lệch tỷ giá gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, gần 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, biên lãi gộp trong quý III khoảng 31,2%, giảm hơn 3 điểm phần trăm so với quý trước, phần nào cho thấy áp lực giá vốn nguyên vật liệu đầu vào dần xuất hiện. Đây cũng là kịch bản mà lãnh đạo SAB dự báo từ trước.

"Thật khó để nói rằng kết quả đạt được đã tương xứng với khoản đầu tư khổng lồ 4,8 tỷ USD vào thời điểm đó của Thai Beverage", Masayuki Imai - nhà phân tích tại Aizawa Securities, nêu quan điểm trên với Asia Nikkei..

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Sabeco là môi trường kinh doanh tại Việt Nam không còn thuận lợi. Do ảnh hưởng của đại dịch và việc thắt chặt quy định xử phạt các hành vi lái xe khi sử dụng đồ uống có cồn, số lượng người uống bia đã giảm đáng kể.

Một yếu tố khác là những trục trặc trong cải cách quản lý doanh nghiệp. Hiện ThaiBev đang nắm 54% cổ phần tại SAB. Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn nắm 36% vốn, các nhà đầu tư nước ngoài khác giữ 10% còn lại.

Tại một cuộc họp báo gần đây, CEO Sabeco và cựu đại diện ThaiBev Neo Gim Siong Bennett nhìn nhận việc cải tổ doanh nghiệp vẫn đang được tiến hành, đồng thời cho biết "còn nhiều việc cần phải làm để cải thiện lợi nhuận". Ông nói rằng sẽ rất khó để dẫn dắt khoảng 13.000 nhân viên của công ty đi theo cùng một hướng.

Trước đó khi mua lại Sabeco, kế hoạch trung hạn của Thai Beverage đến năm 2020 là nâng tỷ lệ bán hàng ở nước ngoài lên 50%. Nhưng mục tiêu đó đã không hoàn thành. Tốc độ tăng trưởng của Sabeco là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ này hiện chỉ ở mức dưới 30%.

Không chỉ yếu tố nội tại, nhiều vấn đề khách quan trên thị trường cũng là lực cản cho Sabeco. Trong báo cáo gần nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tình hình cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn khi các công ty cố gắng nâng cao vị thế và thị phần. Sabeco được cho sẽ tiếp tục mở rộng danh mục thương hiệu và duy trì sức cạnh tranh so với đối thủ, nên phải tiếp tục chi mạnh cho tiếp thị và khuyến mãi.

Ngoài ra, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) còn nêu thêm rủi ro về giá đầu vào tăng mạnh. Giá nhôm (làm vỏ bia lon) đã giảm gần 40% kể từ đỉnh vào tháng 3 nhưng vẫn ở mức cao so với đầu năm ngoái. Trong khi đó, giá lúa mạch duy trì mức tăng 29% so với cùng kỳ 2021, đặc biệt kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Không chỉ tại Việt Nam, môi trường kinh doanh ở quê nhà của Thai Beverage cũng gặp khó. ThaiBev đã nhiều lần hoãn kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với công ty con BeerCo - nhà phân phối của các thương hiệu bia lớn như Chang và 333 tại Thái - trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore kể từ tháng 2/2021. Reuters từng đưa tin rằng, đợt IPO này có thể huy động khoảng một tỷ USD. ThaiBev cho rằng sự chậm trễ là do điều kiện thị trường thách thức kéo dài.

Trong tháng 11, Thái Lan đã bãi bỏ các hạn chế tối thiểu về vốn và năng lực sản xuất cần thiết để thành lập một nhà máy bia. Theo đó, nhóm bia thủ công được cho là sẽ hưởng lợi chính sau quyết định này. Asia Nikkei cho rằngnếu bia thủ công trở nên phổ biến hơn, ThaiBev và nhà sản xuất lớn khác như Singha Boon Rawd Brewery - vốn đang cùng nhau thống trị thị trường nội địa - có thể đánh mất vị thế.

Tiểu Gu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022