Ngày 13/5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nêu quan điểm về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần cho phép khu vực này được mở rộng lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, như tài chính, bất động sản...

"Chẳng hạn, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia (PVN) được quyền đầu tư vào bất động sản hay không?", ông Hòa đặt vấn đề.

Theo ông, thời gian qua một số công ty lớn đầu tư ngoài ngành đã xảy ra tình trạng thất thoát, lãnh đạo đơn vị vướng lao lý. Vì vậy, ông đề nghị dự thảo luật cần đưa ra tiêu chí, điều kiện cụ thể với doanh nghiệp Nhà nước được đầu tư ngoài ngành.

"Cần xem xét doanh nghiệp nào được làm hoặc không, chứ không phải tất cả đều đầu tư bất động sản, dù đây là lĩnh vực "béo bở", có khả năng sinh lời cao để bù đắp các chi phí khác. Doanh nghiệp được mở rộng đầu tư là cần thiết, song không phải ai cũng được", ông Hòa nói.

Pham-Van-Hoa-1747115590-2917-1747116361.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EEgQcoduocWWjk2G3tfI3w

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân nói "phải có ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước".

"Những việc doanh nghiệp Nhà nước làm muốn tham gia ngoài ngành phải được Chính phủ giao, có ý kiến của chủ sở hữu", ông nêu quan điểm.

Tức là, dự thảo cần có quy định giao lĩnh vực, nhiệm vụ tham gia kinh doanh, đầu tư cụ thể cho doanh nghiệp Nhà nước. Điều này để tránh tình trạng doanh nghiệp thấy các lĩnh vực đầu tư có lời, như bất động sản, lại "nhảy" vào thì rủi ro.

Ông phân tích khu vực doanh nghiệp này ngoài sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, họ phải gánh vấn đề an sinh xã hội. Do đó, có những lĩnh vực tư nhân không làm khi không thấy có lời, doanh nghiệp Nhà nước phải làm, như than, dầu khí, an ninh quốc phòng...

"Cần bỏ quan niệm cái gì doanh nghiệp tư nhân làm được, Nhà nước không làm", ông nói, thêm rằng kinh tế Nhà nước là chủ đạo, nên doanh nghiệp khu vực này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Trước đó, tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết có ý kiến cho rằng quy định không cho doanh nghiệp được kinh doanh bất động sản là chưa phù hợp. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh tại dự luật theo hướng "không hạn chế đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước".

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói quan điểm sửa luật lần này thay đổi, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, quy định hiện hành là quản lý doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước. Dự luật sửa lần này chỉ "quản" phần vốn Nhà nước tham gia tại doanh nghiệp.

"Khi Nhà nước đã góp vốn, hình thành tài sản của doanh nghiệp thì tôn trọng hoạt động của họ", ông Thắng nói, thêm rằng dự luật cũng bổ sung nhiều quy định tăng phân cấp, phân quyền cho chủ đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ trưởng Thắng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để có dự thảo luật chất lượng, chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân phát triển.

Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 13/6.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022