Đây là kết quả khảo sát hơn 100 doanh nghiệp hội viên được thực hiện từ ngày 4 đến 11/2 của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam trụ sở TP HCM (AmCham).
Gần một tháng sau khi bước vào nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra loạt chính sách thuế quan mới như áp thuế bổ sung 10% đối với hàng Trung Quốc, 25% hàng từ Canada và Mexico nhưng sau đó trì hoãn trong 30 ngày. Ông cũng công bố tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu, định áp thuế ôtô từ tháng 4 và lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariff).
Trước những động thái này của ông Trump, AmCham cho biết 92% doanh nghiệp sản xuất Mỹ ở Việt Nam bày tỏ lo ngại thuế quan có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
"Nếu các mức thuế này được áp dụng, đây sẽ là bước thụt lùi lớn với ngành chúng tôi. Chúng tôi phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ và chi phí tăng thêm sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh", đại diện một doanh nghiệp sản xuất nói.
Hơn 75% công ty cho rằng việc áp thuế sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động, tạo ra áp lực tài chính và hạn chế cơ hội tiếp cận thị trường. Gần một nửa được hỏi cho biết họ tính cắt giảm nhân sự nếu thuế quan được áp dụng, riêng hai phần ba đơn vị sản xuất nghĩ đến khả năng này.

Cảng Lạch Huyện - Hải Phòng ngày 22/1. Ảnh Lê Tân
Ông Travis Mitchell, Giám đốc điều hành AmCham nhìn nhận kết quả khảo sát phản ánh rõ "mức độ quan ngại đáng kể" của các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam trước nguy cơ áp thuế.
"Những lo lắng từ các hội viên của chúng tôi gồm gián đoạn hoạt động, áp lực tài chính, nguy cơ mất việc làm cũng như các tác động kinh tế rộng lớn hơn", ông cho biết.
Theo đó, hơn 85% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng thuế quan sẽ làm giảm khối lượng thương mại, gián đoạn các mối quan hệ hợp tác lâu dài và gây bất lợi đến nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, niềm tin vào thị trường này vẫn vững vàng. AmCham cho biết 94% đơn vị nói chung và 98% nhà sản xuất nói riêng vẫn tin vào tiềm năng của Việt Nam, nhờ cơ sở hạ tầng phát triển, lực lượng lao động tay nghề cao và vị trí chiến lược.
Hiệp hội này kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục đối thoại và hợp tác để tìm ra giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm thiểu gián đoạn thương mại.
"Mối quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa Mỹ và Việt Nam mang lại lợi ích cho hai quốc gia. Giao tiếp mở và hợp tác là yếu tố then chốt để duy trì mối quan hệ này", ông Travis Mitchell khuyến nghị.
Gặp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên hôm 12/2, ông Marc E. Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khẳng định chính sách mới của Mỹ được thiết lập nhằm thúc đẩy thương mại công bằng, bảo vệ an ninh kinh tế, người lao động và doanh nghiệp nước này. "Việc áp thuế trong thời gian qua không nhắm tới Việt Nam và Mỹ muốn duy trì quan hệ hợp tác kinh tế thương mại hai nước theo hướng tích cực", ông Marc E. Knapper nói.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 112,5 tỷ USD và nhập 10,5 tỷ USD từ Mỹ. Số liệu này lần lượt tăng 16% và giảm gần 24% so với năm 2023.
Tại báo cáo phát hành ngày 11/2, Ngân hàng HSBC lưu ý rủi ro thuế quan "phủ bóng mây" lên triển vọng xuất khẩu. "Việt Nam là quốc gia đối diện với rủi ro thuế quan do có thặng dư thương mại lớn với Mỹ", nhóm chuyên gia nhà băng này nhận xét.
Viễn Thông