Trong buổi đối thoại giữa chính quyền TP HCM với doanh nghiệp ngày 31/3, nhiều công ty cùng nêu thực trạng đang chịu áp lực về nguy cơ bị phạt khi cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm quá trình tự khai báo hải quan của doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp công nghệ cho nhà xưởng tại TP HCM, cho biết năm ngoái công ty nhập khẩu một loại máy và hỏi bên bán cách phân loại hàng hóa trong kê khai hải quan. Công ty nhập máy móc ba lần với cùng cách kê khai, đều được thông quan và hưởng thuế suất 0%.

Nhưng 6 tháng sau, công ty nhận được quyết định từ phía hải quan rằng đã phân loại sai, đi kèm là lệnh truy thu 10% giá trị hàng nhập. Doanh nghiệp còn bị phạt thêm 20% với lý do "có hành vi sai trái" và tính tiền chậm nộp từ thời điểm thông quan.

"Với việc được chấp nhận thông quan hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp đã cơ cấu xong mọi chi phí, nhân công, thuế. Sau đó nhận xử phạt khiến chúng tôi - một doanh nghiệp nhỏ - khổ đủ đường", đại diện công ty nói.

Ông cho biết, tính cả số tiền truy thu và phạt chậm nộp, doanh nghiệp thiệt hại khoảng 150-200 triệu đồng. Đại diện công ty cho rằng cơ quan hải quan có thể trao đổi lại với doanh nghiệp chứ không nên phạt vì đây là lỗi sai vô ý, không phải cố tình "né thuế, trốn thuế".

Tương tự, đại diện doanh nghiệp lớn chuyên về sản xuất giày có vốn nước ngoài tại TP HCM cũng chia sẻ áp lực hậu kiểm từ hải quan. Theo người đại diện tham gia đối thoại, trước đây cơ quan quản lý chỉ phạt doanh nghiệp nếu kê khai hải quan sai ở lần thứ hai. Tuy nhiên, Nghị định 128 tăng chế tài lên phạt ngay lần đầu. Theo ông, nhiều doanh nghiệp đang khổ sở và rất áp lực trong việc kê khai hải quan ở lô hàng đầu tiên sao cho chính xác nhất.

"Các doanh nghiệp hiện nay không dám trốn thuế và cũng không muốn vi phạm về thuế, tuy nhiên trình độ của các nhân viên xuất nhập khẩu trong doanh nghiệp không thể lúc nào cũng kê khai đúng, nhất là việc phân loại các mặt hàng về hóa chất", ông nói.

Ngoài ra, cũng có trường hợp bất đồng hậu kiểm ở thủ tục kiểm tra chuyên ngành, xác định thuế suất ưu đãi khiến không ít doanh nghiệp chịu thiệt hại lên đến hàng chục tỷ.

toa-n-ca-nh-chu-o-ng-tri-nh-do-6913-4255-1680251681.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yRupJtX4QzDDl6BsdA6UhQ

Các đại diện cơ quan hải quan TP HCM trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp. Ảnh: ITPC

Nói về quá trình hậu kiểm, ông Đặng Thái Thiện - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TP HCM, khẳng định bản chất của quy trình này là để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa. Nếu tiền kiểm, hàng hóa sẽ phải tốn thời gian lưu kho lâu trong khi chờ cơ quan hải quan kiểm tra, thẩm định, kê khai thủ tục. Doanh nghiệp cũng mất thế chủ động trong kinh doanh vì không tự quyết thời gian đưa hàng hóa vào sử dụng, buôn bán.

Còn theo ông Vương Tuấn Nam - Trưởng phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TP HCM, hậu kiểm phù hợp với thông lệ nhiều nước trên thế giới. Nhưng vì ưu tiên hậu kiểm, công tác kiểm tra trước thông quan có thể diễn ra với mức độ nông hơn và hạn chế hơn, những sai sót và lỗi xuất hiện là điều dễ hiểu. Do đó, các doanh nghiệp cần tính đến phương án bù đắp rủi ro sau thông quan để cân bằng chi phí kinh doanh.

"Mọi hoạt động quản lý hải quan đều có mục tiêu cao nhất là vì doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần thông cảm và có trách nhiệm trong việc gắn kết cùng cơ quan hải quan", ông Nam nói.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022