Nội dung được Bộ Công Thương đưa ra tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và hệ thống lưu trữ điện.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất hộ gia đình được hỗ trợ tiền đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng với định mức tối đa 500.000 đồng cho 1 kWp công suất lắp đặt. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ không vượt quá 2,5 triệu đồng cho một hộ gia đình. Dự kiến thời gian áp dụng đến 1/1/2031.

Cùng với đó, hộ gia đình có thể được hỗ trợ lãi suất vay thương mại để đầu tư hệ thống năng lượng này. Cụ thể, lãi suất được đề xuất bằng mức cho vay ngắn hạn của các nhà băng. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 năm kể từ ngày bắt đầu giải ngân khoản vay theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại. Hạn mức vay tối đa 7 triệu đồng cho 1 kWp công suất lắp đặt, nhưng không quá 35 triệu đồng cho mỗi hộ.

dien-mat-troi-mai-nha-17529271-8965-3006-1752927721.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H99TaaKbPLgvc1Yo46tmrg

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại một hộ gia đình tại miền Bắc, tháng 6/2025. Ảnh: Phương Anh

Nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Hàng năm, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân quyết định cụ thể mức hỗ trợ tài chính, bảo đảm phù hợp với nguồn ngân sách của tỉnh và nhu cầu phát triển hệ thống điện mặt trời hộ gia đình trên địa bàn.

Ngoài hỗ trợ về tài chính, nhà điều hành dự kiến hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các hộ gia đình khi đầu tư, lắp đặt và vận hành khai thác điện mặt trời mái nhà. Các đơn vị điện lực địa phương phải hướng dẫn kỹ thuật về đấu nối, điều khiển, giám sát, bảo vệ, công tác lắp đặt nhằm bảo đảm an toàn.

Trường hợp chủ hộ có nhu cầu bán sản lượng dư lên lưới quốc gia, đơn vị điện lực tại địa phương phối hợp lắp đặt, thay thế hệ thống đo đếm điện năng hai chiều phù hợp công suất, đồng thời hướng dẫn thủ tục và ký hợp đồng mua bán.

UBND cấp xã hướng dẫn thiết kế, giải pháp bảo đảm an toàn chịu lực công trình và giải pháp phòng cháy, chữa cháy. Các chủ hộ gia đình có trách nhiệm đảm bảo chính xác thông tin hồ sơ đề nghị hỗ trợ, lắp đặt và sử dụng thiết bị, vật tư có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định hiện hành.

Người dân còn phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn điện, bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành nguồn điện mặt trời mái nhà tự dùng và hệ thống lưu trữ. Họ cũng phải cam kết sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích.

Hiện cả nước có khoảng 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất lắp đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030, 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022