"Lúc đầu chúng tôi nghĩ sự đứt gãy này chỉ là ngắn hạn, nhưng giờ đã kéo dài hơn một năm", ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) nói tại một tọa đàm về xăng dầu ngày 6/3.
Ông kể nhiều đơn vị bán lẻ đã suy kiệt tài chính, tinh thần hoang mang. Một số không cầm cự nổi đã phải sang lại cửa hàng, số khác bán ruộng, vườn để cầm cự kinh doanh, phục vụ bình ổn thị trường. Ông cũng gọi việc điều hành xăng dầu theo mệnh lệnh hành chính, khiến doanh nghiệp lỗ cũng phải bán, "là sự cưỡng bức".
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh), phát biểu tại toạ đàm về kinh doanh xăng dầu, ngày 6/3. Ảnh: Như Ý
Hơn một năm gánh lỗ để duy trì kinh doanh, bà Nguyễn Thị Rim, Giám đốc Công ty TNHH Giang Chấn Hưng (Trà Vinh), đặt vấn đề, các doanh nghiệp bán lẻ có được bù lỗ hay không khi ước tính con số này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
"Dựa vào đâu để buộc doanh nghiệp bán lẻ phải hy sinh, trong khi doanh nghiệp Nhà nước lại được cân đối bù lỗ", bà đặt câu hỏi về phía đại diện Bộ Công Thương tham dự tọa đàm.
Không riêng doanh nghiệp bán lẻ, các thương nhân phân phối cũng kêu bị lỗ và phủ nhận việc là "tác nhân gây đứt gãy trên thị trường". Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP, nêu thực tế, từ khi chu kỳ điều hành rút ngắn còn 10 ngày, chiết khấu bị bóp nghẹt từ đầu mối xuống phân phối. Ông cho rằng thị trường có hiện tượng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.
"Cứ khi giá tăng thì chiết khấu giảm dần, hàng nghìn xe xếp hàng ở kho của các doanh nghiệp đầu mối nhưng không lấy được hàng", ông nói và đề nghị làm rõ nguyên nhân sâu xa của thị trường đứt gãy do khâu nào (đầu mối, phân phối hay bán lẻ).
Tương tự, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai, chỉ ra tác nhân chính khiến thị trường bất ổn là doanh nghiệp đầu mối nhưng cũng nói thêm "còn do điều hành vĩ mô bất cập". Ông kiến nghị sửa đổi nghị định cần triệt để, "thị trường hơn" và giảm sự can thiệp của Nhà nước.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai phát biểu tại toạ đàm về kinh doanh xăng dầu, ngày 6/3. Ảnh: Như Ý
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng xăng dầu không nên đổ lỗi cho nhau.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) nói "lỗi, trách nhiệm ở đây là quản lý Nhà nước", khi cách thức quản lý, điều hành lạc hậu. Hệ quả là các doanh nghiệp trong hệ thống thua lỗ hơn một năm qua.
"Quản lý, điều hành phải hướng tới thị trường hơn, khâu nào trong chuỗi có thể để doanh nghiệp tự quyết thì nên để họ quyết định", ông nhìn nhận.
Còn TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhận xét Việt Nam chưa có thị trường bởi Nhà nước can thiệp quá sâu trong kinh doanh xăng dầu. Vì thế, chính sách, cơ chế tới đây phải tạo dần thị trường, tăng cạnh tranh và giảm bớt sự phụ thuộc của khâu bán lẻ vào đầu mối. Tức là, cần tăng quyền tiếp cận của khâu phân phối bởi đây là quyền kinh doanh của họ nhưng vừa qua chưa được tôn trọng. Cơ quan quản lý cũng cần bổ sung thêm quyền rút khỏi thị trường, nếu doanh nghiệp quá lỗ thì có quyền được ra khỏi thị trường.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nói ủng hộ cho doanh nghiệp quyết định giá. "Muốn xử lý được chuyện xăng dầu, quan niệm về ổn định vĩ mô phải thay đổi", ông cho hay.
Liên quan tới chiết khấu trong khâu bán lẻ, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, vừa qua mức này thấp không đủ chi phí vận hành, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khi góp ý sửa Nghị định 95, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu đưa mức chiết khấu tối thiểu cố định vào giá cơ sở, để đảm bảo nguyên tắc thị trường và ràng buộc trách nhiệm giữa đầu mối - bán lẻ, tránh đứt gãy nguồn cung.
Nhưng ở góc nhìn khác, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đặt ngược lại vấn đề. Ông hỏi vì sao trước đây doanh nghiệp không nêu vấn đề về chiết khấu, Nhà nước có nên can thiệp quá sâu như vậy hay không và tỷ lệ chiết khấu tối thiểu bao nhiêu là hợp lý.
Chưa kể, nếu có mức chiết khấu cố định, theo ông, giá cơ sở sẽ làm tăng giá bán ra, có thể ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, mục tiêu kiềm giữ lạm phát khi xăng dầu chiếm trọng số lớn trong rổ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Đại diện hai Bộ Tài chính - Công Thương đều vẫn khẳng định đã tính đúng, đủ chi phí lợi nhuận định mức trong giá cơ sở. Tuy vậy, ông Đông nói, chi phí vừa qua biến động liên tục, quản lý Nhà nước khó theo kịp.
Ông cho hay, sửa đổi Nghị định 95 tới đây đưa ra ba phương án về điều hành giá xăng dầu. Đầu tiên là giữ nguyên quy định điều hành giá nhưng thay đổi cách tính chi phí. Hai là đưa xăng dầu về tiệm cận thị trường hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn, tức họ tự tính toán và cộng các chi phí kinh doanh vào giá trên cơ sở giá tham chiếu Nhà nước đưa ra. Cuối cùng, hoàn toàn trả hết cho thị trường, bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu.
"Ban soạn thảo đang nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động để hướng tới thể chế quản lý khoa học, phù hợp. Nếu giữ cách thức điều hành hiện tại, chúng ta cần chấp nhận ưu, nhược điểm của nó", ông Đông nói.
Ngoài sửa cơ chế để xăng dầu vận hành thị trường hơn, căn cơ hơn chứ "không chạy theo biến động bất thường", theo các chuyên gia, nên giao về một đầu mối quản lý giá xăng dầu.
"Bộ Công Thương đang quản lý nguồn cung xăng dầu, tôi tin bộ sẽ điều chỉnh giá nhịp nhàng, phù hợp hơn", TS Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Từng nhiều năm điều hành giá xăng dầu khi còn là Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng đồng tình phương án này. Bộ Công Thương đang phụ trách quy hoạch, hệ thống, hạn ngạch, chỉ tiêu, cung cầu.
Ngoài ra, thẩm quyền quyết định giá bán lẻ tới đây nên giao doanh nghiệp tự tính toán, cạnh tranh nhau. Nhà nước chỉ đưa ra một số yếu tố mang tính tham chiếu.
"Đây không phải Nhà nước thả nổi, mà là quản lý gián tiếp theo quy chế thị trường, đưa ra quy định, cơ chế tính giá rõ ràng. Nhà nước chỉ can thiệp khi bình ổn giá và hậu kiểm", ông Thoả góp ý.
Anh Minh