Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật đấu giá tài sản sửa đổi. Ở lần sửa này, dự luật nêu rõ những loại sẽ bán thông qua đấu giá, như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet, nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ...

Góp ý tại tổ Đồng Tháp chiều 8/11, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng quy định đấu giá nợ xấu ngân hàng là bất hợp lý. Theo ông, nhiều khoản nợ xấu ngân hàng hiện nay "bán chả ai mua, nữa là đấu giá". Riêng với các tài sản, nợ của ngân hàng đang trong diện bị kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, ông cho rằng, Nhà nước phải định giá rồi chỉ định ngân hàng đủ tiềm lực tài chính mua lại.

Pham-Van-Hoa-Ngoc-Thanh-jpeg-9802-1699441207.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G5DGuDjT0oraFPjbns-RIg

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Thanh Hóa tại thảo luận ở tổ, chiều 8/11. Ảnh: Ngọc Thành

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về tài sản đấu giá là nợ xấu. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung một chương về đấu giá tài sản với nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ này trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu trong ngân hàng. Cho rằng các ý kiến đều xác đáng, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, làm rõ.

Từ cuối năm ngoái, các ngân hàng ráo riết rao bán nhiều nhà đất đắc địa, dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn để thu hồi nợ, nhưng vẫn chưa thể tìm được chủ mới, dù giá giảm hàng chục tỷ đồng.

Chẳng hạn, hồi tháng 9, Vietcombank lần thứ 6 hạ giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của Vinaxuki chi nhánh Đăk Nông, sau 5 lần rao bán không thành. Mức giá khởi điểm ở lần rao bán thứ 6 giảm gần nửa tỷ đồng so với trước đó.

Tương tự, trong tháng 11, Agribank tìm chủ cho hai ngôi nhà mặt tiền phố cổ Hà Nội tại Hàng Chiếu và Hàng Buồm với giá khởi điểm 60 tỷ, 34 tỷ - giảm lần lượt hơn 50 tỷ và 26,5 tỷ đồng so với lần đầu tiên. Hai bất động sản này đã trải qua khoảng 10 lần thông báo đấu giá. Ngân hàng BIDV cũng phải rao bán lần thứ 6 cho một nhà máy xi măng ở Bình Phước hay hơn chục lần cho một tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất khoảng 1.100 m2 tại TP HCM.

Cũng theo dự thảo luật, người tham gia đấu giá phải đặt cọc 5-20% giá khởi điểm tài sản đấu giá. Ông Phạm Văn Hòa băn khoăn mức này quá thấp, dễ tái diễn các trường hợp bỏ cọc như đấu giá biển số xe đẹp vừa qua. "Ở đây pháp luật sơ hở, để nhiều đối tượng lợi dụng giỡn chơi, nên cũng là vấn đề cần xem xét lại cách đấu giá", ông Hòa nói.

Theo ông, dự luật cần bổ sung quy định, người trúng đấu giá sau thời hạn nhất định không trả tiền đấu giá đầy đủ, thì công bố người trả mức giá cao thứ 2 trúng mà không cần tổ chức đấu giá lại để tránh tốn kém.

Cùng lo ngại, ông Huỳnh Minh Tuấn (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) dẫn chứng trường hợp cuộc đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát tại Hà Nội vừa qua. Theo đó, giá khởi điểm là 24 tỷ đồng, tiền cọc của 3 doanh nghiệp tham gia là 3,5 tỷ, tương đương hơn 10% giá khởi điểm. Kết quả giá đấu cuối cùng gần 1.700 tỷ đồng, gấp 70 lần mức khởi điểm. Ông Tuấn tính toán với sản lượng 3 bỏ cát khoảng 6 triệu tấn, tương ứng giá khởi điểm bán tại mỏ 50.000-80.000 đồng một m3 cát. Với mức giá trúng đấu giá cao như vậy, ông Tuấn lo ngại khả năng tái diễn bỏ cọc. Do đó, ông cho rằng, tỷ lệ tiền cọc 5-20% giá khởi điểm tại dự thảo luật là quá thấp, cần tính lại cho phù hợp, thậm chí có thể quy định mức cọc 100% giá khởi điểm.

Tại tổ Bình Định, ông Nguyễn Văn Cảnh (Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Quốc Thắng) cũng nhận xét mức giá khởi điểm hiện thấp. Chẳng hạn về đấu giá số điện thoại, mức giá khởi điểm chỉ khoảng 262.000 là quá thấp và là số lẻ.

Nêu thực tế, có một số tài sản, giá khởi điểm thấp, giá trúng lại cao gấp vài nghìn lần, do đó đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị điều chỉnh lại mức giá linh hoạt hơn. Ông cũng kiến nghị bổ sung mức giá theo phần trăm (%) ngoài mức giá tối đa, tối thiểu, cố định trong dự luật.

Chẳng hạn, khi đấu giá số điện thoại, giá khởi điểm là 262.000 nhưng khi đấu giá lên đến 1 triệu, mức tiếp theo nên là 5% của 1 triệu; khi đến 100 triệu, mức tiếp theo là 5% của 100 triệu. Như vậy, mức đấu giá sẽ phù hợp, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.

Ông Cảnh cho hay, thực tế, trong thời gian đấu giá biển số ôtô, có nhiều biển được trả rất cao đến hàng tỷ nhưng người sau có khi chỉ cần thêm 5 triệu là đã thắng. "Như vậy rất vô lý. Khi đã ở mức 1 tỷ, giá sau cần trả cao hơn khoảng 50 triệu như vậy mới hợp lý", ông Cảnh nêu quan điểm.

Về quy định bỏ kết quả đấu giá, ông Phạm Văn Hòa kiến nghị bổ sung thêm chế tài cấm người tham gia đấu giá nhưng bỏ cọc, không được tham gia các cuộc đấu giá khác trong một thời gian nhất định. Việc này theo ông để tăng tính răn đe, cảnh tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Cảnh cùng quan điểm, nhưng cho rằng, nếu người đấu giá chứng minh được họ có yếu tố bất khả kháng dẫn đến bỏ đấu giá như mất tài sản, lũ lụt, gặp tai nạn... thì có thể được chấp nhận, không bị xử lý.

Dự kiến Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sáng ngày 28/11.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022