Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Gói này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022. Quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Các chính sách gồm ưu đãi lãi suất 2%; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; miễn, giãn, giảm thuế VAT 2% với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng từ chương trình phục hồi kinh tế...

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách của gói phục, như cho phép giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn từ gói phục hồi kinh tế sang năm 2025, thay vì cuối năm nay. Chính sách giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% cũng được đề nghị kéo dài thêm 6 tháng, tới cuối 2024.

Tại buổi thảo luận sáng nay, một trong những chính sách được đại biểu quan tâm là gói hỗ trợ lãi suất 2% một năm, tối đa 40.000 tỷ đồng qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến ngày 31/12/2023, số hỗ trợ lãi suất của chính sách đạt khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng, chỉ bằng 3,05% gói hỗ trợ. Đoàn giám sát nhìn nhận gói hỗ trợ lãi suất 2% là "một trong những giải pháp được kỳ vọng rất lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân". Tuy nhiên, kết quả thực hiện đạt rất thấp, không đi vào thực tế cuộc sống. "Đây là nội dung cần đánh giá kỹ, rút kinh nghiệm trong nghiên cứu, dự báo, đề xuất chính sách và tổ chức thực hiện", Đoàn giám sát đề nghị.

202405250938549922-z5473953594-6446-6348-1716606952.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4Ria3OEuhYDyf4RCdaT1Jw

Đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu tại phiên họp sáng 25/5. Ảnh: Media Quốc hội

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM Việt Nam) bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất. Ông cho rằng các gói hỗ trợ chỉ phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp, nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, tình hình đã dần trở lại bình thường, ông đặt câu hỏi "có nên tiếp tục hay không". "Nếu nền kinh tế không hấp thụ được mà ta tìm mọi cách tiêu gói hỗ trợ 2% này thì biết đâu nảy sinh vấn đề nằm ngoài mong muốn, cần hết sức cân nhắc", đại biểu Huân nói.

Nghị quyết số 43 cũng cho phép tăng chi đầu tư phát triển tối đa 176.000 tỷ đồng cho y tế an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đến 31/12/2023, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ vốn hàng năm cho các dự án thuộc Chương trình là hơn 130.000 tỷ đồng, đạt 65,8% Kế hoạch.

Nói về gói hỗ trợ này, ông Huân cho rằng chưa hiệu quả, cần xem xét về thời hạn hiệu lực của Nghị quyết 43. Theo ông, chính sách tài khóa tiền tệ là công cụ rất hiệu quả nhưng chỉ trong ngắn hạn. "Nếu lạm dụng sẽ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô", ông Huân cảnh báo, đề nghị Chính phủ, đoàn giám sát nghiên cứu thêm cho thời hạn hiệu lực đến năm thứ 3 có thực sự phù hợp.

Về chính sách giảm thuế 2%, ông Huân cơ bản đồng tình, song trong thực tế một số ngành giảm 2% "chưa chắc đã cần thiết". Ông lấy ví dụ người dân đi qua cầu phải trả phí 10.000 đồng, áp dụng chính sách giảm thuế còn hơn 9.000 đồng. Với người tài xế thì cũng không có khác biệt gì, nhưng Nhà nước lại thất thu. "Tôi đề nghị hết sức cân nhắc việc gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% để đảm bảo cân đối tài chính công", ông Huân nói.

202405250938550704-z5473995315-2103-4647-1716606952.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0BxcuDk4vWosknoyQeT0mA

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên họp sáng 25/5. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị, nhìn nhận thực tế triển khai chính sách phục hồi kinh tế có tình trạng "té nước theo mưa". Tức là, nhân việc Quốc hội, Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà có ngành xin thêm. Ví dụ như ôtô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, khiến năm 2022 là năm ngành ôtô có doanh số kỷ lục.

Ở chiều ngược lại, nhiều chính sách phát huy hiệu quả, trợ lực cho doanh nghiệp, người dân phục hồi như các gói giảm thuế VAT 2%, từ mức 10% xuống 8% với một số hàng hóa, dịch vụ. Song, theo ông Đồng, chính sách này cũng gặp vấn đề khi phân loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 8% hay 10%.

"Chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả mặt hàng từ 10% xuống 8% thì lại quá cứng nhắc phụ thuộc vào Nghị quyết 43. Giảm cho tất cả mặt hàng sẽ tốt hơn", ông nói.

Còn chính sách giãn nộp thuế đến cuối năm, nhiều ý kiến đề nghị giãn thêm vài tháng sang năm sau, vì đây là thời điểm giáp hạt đối với doanh nghiệp. Song điều này lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ ngại điều chỉnh dự toán ngân sách nên đã không trình.

Ông phân tích thêm, chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm. Một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác.

"Do đó, nếu trong tương lai, chúng ta lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô thì phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm đưa chính sách vào cuộc sống. Còn như Nghị quyết 43 lại cho thời hạn thực hiện 2 năm, trong thời gian đó rất nhiều thứ đã khác. Khủng hoảng kinh tế do Covid-19 rất khác với khủng hoảng khác", ông nói.

Tới đây nếu cần thêm chính sách hỗ trợ, ông Đồng cho rằng, có thể giảm thuế, thậm chí giảm ở mức lớn và tập trung vào một ngành cụ thể. Ví dụ vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay thì thậm chí nên tính đến việc giảm VAT hàng không về 0% hoặc giảm các loại phí, lệ phí sân bay. Điều này có thể giúp hàng không phục hồi nhanh hơn.

Liên quan tới chính sách tiền tệ, ông Đồng cho rằng, giai đoạn 2022-2023 là "hai năm toát mồ hôi" trong điều hành tiền tệ. "Vào thời điểm đó mà điều hành được như những gì đã diễn ra có thể được coi là thành công", ông nêu. Tuy vậy, về lâu dài ông Đồng góp ý nhà chức trách cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

Ông cho biết, tại báo cáo gửi Quốc hội ở kỳ họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì quan điểm chưa thể bỏ công cụ room tín dụng. Tuy vậy, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có tổng kết đánh giá chính sách room tín dụng và tiến tới luật hóa vấn đề này.

Phó đoàn Thanh Hóa Mai Thanh Hải lo lắng khi gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân quá thấp, chưa kể các chính sách khác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện còn chậm.

Theo ông Hải, nguyên nhân chủ yếu là thủ tục, quy trình và không ít cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm khi thực hiện. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành giải quyết kiến nghị vướng mắc liên quan tới dự án đầu tư, đẩy mạnh dự án dùng vốn chương trình phục hồi.

Về giảm thuế 2%, chính sách này được kéo dài thực hiện tới tháng 6/2024, được doanh nghiệp đánh giá cao, kích thích tiêu dùng, sản xuất phát triển. Ông Hải đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách này trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp chưa phục hồi. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục mở rộng một số chính sách đặc thù, không chỉ công trình quốc gia, mà cả công trình của tỉnh, để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tái định cư giúp giải ngân nhanh, hiệu quả.

Sơn Hà - Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022