TP HCM đang hoàn thiện kế hoạch tổng thể chuyển đổi toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ, khoảng 400.000 chiếc, sang phương tiện chạy điện. Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM dự kiến hoàn thiện dự thảo đề xuất danh sách đối tượng chuyển đổi trong tháng 6, tham vấn chuyên gia rồi trình UBND thành phố vào tháng 7.
Thông tin trước báo chí chiều 22/5, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, khẳng định chương trình này hoàn toàn khả thi nếu có cơ chế hỗ trợ phù hợp (hỗ trợ về hạ tầng sạc, tài chính ban đầu cho tài xế, miễn lệ phí trước bạ và thuế VAT...).
Ông cho biết kết quả khảo sát hơn 400 tài xế Grab, be, cho thấy chi phí xăng trung bình mỗi ngày của một người khoảng 70.000-100.000 đồng, trong khi tài xế dùng xe điện (như Xanh SM) chỉ tốn khoảng 20.000 đồng chi phí năng lượng.

Tài xế công nghệ đón khách, giao hàng trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM, năm 2023. Ảnh: Thanh Tùng
Sau khi trừ chi phí sạc, hao mòn pin và thời gian chờ sạc, mức tiết kiệm ròng mỗi ngày đạt 40.000-60.000 đồng, tương đương hơn một triệu đồng mỗi tháng. Ông Hải tính toán nếu tài xế dùng khoản tiết kiệm này để trả góp mua xe điện, họ có thể hoàn tất khoản vay chỉ sau 2-2,5 năm.
"Chúng tôi tin rằng trong 2 năm đầu, có thể chuyển đổi khoảng 80% xe máy xăng trong nhóm tài xế công nghệ sang xe điện", ông Hải nhấn mạnh.
Nhóm tài xế công nghệ là một trong những nguồn phát thải lớn tại TP HCM. Mỗi ngày, họ di chuyển trung bình hơn 100 km với tần suất cao (8-12 giờ/ngày), góp phần đáng kể vào lượng khí thải đô thị. Việc chuyển đổi sang xe điện với nhóm này sẽ mang lại hiệu quả kiểm soát phát thải rõ rệt, theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế.
Tuy nhiên, một trong những thách thức để shipper, xe ôm công nghệ chuyển sang dùng xe điện là hạ tầng sạc.
Về thời gian sạc, các dòng xe máy điện gồm VinFast, Selex Motors, DatBike, Honda được giới thiệu sạc từ 4-10 tiếng. Quãng đường di chuyển tối đa 100-200 km trong điều kiện một người lái có cân nặng dưới 65 kg, di chuyển với vận tốc 30 km/h. Tức, tài xế công nghệ buộc phải sạc thêm trong ngày làm việc, và không có thêm thu nhập trong thời gian chờ sạc.
Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors), nhận định hạ tầng năng lượng sẽ không còn là rào cản nếu thời gian sạc xe điện nhanh như đổ xăng. Hiện họ đang cung ứng dịch vụ đổi pin dùng chung trong 2 phút, hỗ trợ đổi cho cả các hãng xe khác. Tại TP HCM, họ lắp đặt khoảng 50 trạm, có thể mở rộng lên 200 trạm trong năm tới.
Tuy nhiên, nhìn bình diện chung, hạ tầng sạc cho xe điện chưa có chuẩn đồng bộ và "mạnh ai nấy làm", theo ông Nguyên. Ông khuyến nghị cơ quan chức năng TP HCM có chính sách khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới hạ tầng năng lượng (sạc và đổi pin), hướng tới dùng chung, chia sẻ giữa các hãng, nhằm tạo sân chơi bình đẳng và khuyến khích tất cả doanh nghiệp cùng phát triển.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi sang xe điện của nhóm tài xế công nghệ cũng gặp rào cản về tài chính ban đầu. Họ thuộc nhóm thu nhập thấp, nguồn thu bấp bênh.
Liên quan đến vấn đề trên, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM nói đã làm việc với các ngân hàng để xây dựng sản phẩm tín dụng phù hợp. Ông Hải cho biết họ cũng nhận được cam kết ưu đãi từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe máy điện. Ngoài ra, TP HCM kiến nghị Trung ương miễn lệ phí trước bạ và thuế VAT trong hai năm đầu đối với xe điện mới và tài xế công nghệ.
Ngành giao thông Việt Nam thải 32,9 triệu tấn CO2 tương đương (CO2e) mỗi năm, riêng tại TP HCM thải 13 triệu tấn.
Để xanh hóa giao thông, thành phố đã lên lộ trình chuyển đổi 100% xe bus sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2030. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện, tập trung vào chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho các loại phương tiện như taxi, xe công nghệ, ôtô khách và xe thuộc cơ quan công, doanh nghiệp.
Thủy Trương