Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 thế giới) và GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD.

Mục tiêu này, theo đánh giá của Chính phủ, là "nhiều thách thức". Theo báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ cho biết sẽ phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%, điều chỉnh bội chi lên 4-4,5% GDP khi cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng cho đầu tư phát triển.

Nợ xấu ngân hàng tăng trên 4%. Để xử lý "cục máu đông" này, Chính phủ đang trình dự luật sửa một số điều Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó "nới" quyền quyết định khoản vay đặc biệt lãi suất 0% một năm, không tài sản đảm bảo từ Thủ tướng sang Ngân hàng Nhà nước và cơ chế xử lý tài sản đảm bảo của món nợ xấu. Cùng với đó, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

Giải ngân vốn đầu tư công - vốn là điểm nghẽn lâu nay - sẽ được đẩy nhanh từ đầu năm, nhất là tại các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Tại cuộc họp cách đây vài ngày, Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn công được phân bổ trong năm nay. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy, giúp GDP tăng trên 8% năm nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.

san-xuat-mi2-1747926688-2971-1747926712.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zmqAXC9x9SYSPI8bUAE2JA

Công nhân sản xuất mì ăn liền tại Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa - Miliket ở TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 3/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Ủy ban Kinh tế và Tài chính khi thẩm tra ủng hộ việc rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án, nhưng đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến và có hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét.

Khi thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, nhiều giải pháp được đưa ra để giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan Mỹ. Việt Nam cũng xúc tiến nhanh các bước và đạt tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại với Mỹ. Cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai nước dự kiến diễn ra đầu tháng 6.

Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là quản lý thị trường vàng bất cập. Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở ngưỡng cao, trên 10 triệu đồng một lượng, tạo không ít lo ngại về hệ lụy cho nền kinh tế.

Với thị trường bất động sản, Cơ quan của Quốc hội cho rằng Chính phủ đã từng bước xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng còn chậm. Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lớn, trên 130.000 tỷ đồng đến hạn trong năm nay, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ các nội dung, như tiếp tục thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù đang áp dụng với 6 địa phương sau sáp nhập gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM và Cần Thơ; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.

Buổi chiều, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều 7 luật liên quan tới tài chính, gồm Luật: Đấu thầu, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Hải quan, Thuế xuất - nhập khẩu, Đầu tư, Đầu tư công, Quản lý và sử dụng tài sản công. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng sẽ thay mặt Chính phủ, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022