Kể từ 1/7, TP HCM mới hình thành trên cơ sở sáp nhập TP HCM cũ, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo ra một trung tâm công nghiệp quy mô gần 930.000 tỷ đồng, chiếm hơn 25,52% trong giá trị công nghiệp cả nước, tính đến năm 2024.

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP HCM (Hepza), cho biết sau sáp nhập, TP HCM mới có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp, với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha.

"Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000 ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia", ông Hà nói tại hội thảo "Cơ hội vàng từ Bất động sản Công nghiệp TP HCM" sáng 17/7.

o-ng-tra-n-vie-t-ha-pho-tru-o-1934-1903-1752743034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KqSp53TPRw1C3c7h1M3Xgw

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban Hepza phát biểu sáng 17/7. Ảnh: ITPC

TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS), đánh giá TP HCM mới "hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp tích hợp, công nghệ cao, hiện đại và bền vững của cả nước và khu vực".

Theo ông Vũ, triển vọng này đến từ việc địa giới mang lại sự đồng bộ về chính sách đầu tư, hạ tầng, ưu đãi thuế, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất và mở rộng quy mô. Thế mạnh từng địa phương trước sáp nhập cũng cho phép kết hợp hiệu quả nguồn lực.

Cụ thể, TP HCM cũ dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, Bình Dương chuyên sản xuất - chế biến, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển năng lượng và logistics biển. Sự đa dạng ngành nghề từ thực phẩm, điện tử đến cơ khí, hóa dầu tạo điều kiện để thu hút dòng vốn FDI muốn tận dụng hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Ngoài ra, đầu tàu kinh tế sở hữu lực lượng doanh nghiệp công nghiệp đông đảo và năng động nhất cả nước. Tính đến cuối 2024, ba địa phương cũ có tổng cộng gần 45.000 doanh nghiệp công nghiệp, chiếm gần 28,4% số doanh nghiệp công nghiệp cả nước. "TP HCM sau sáp nhập hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp tích hợp, công nghệ cao, hiện đại bền vững của cả nước và khu vực", ông nhận định.

So với khu vực, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đánh giá TP HCM có vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thuận tiện kết nối giao thương với các nền kinh tế lớn.

Hệ sinh thái sản xuất, đô thị và cảng biển ngày càng được tích hợp và đa chức năng; kết hợp cùng thị trường nội địa lớn giúp duy trì và mở rộng quy mô sản xuất, thu hút đầu tư. "TP HCM đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên trong cạnh tranh công nghiệp khu vực Đông Á"", ông Tuấn nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng chỉ ra những thách thức cần giải quyết để mở khóa tiềm năng tăng trưởng nền công nghiệp của thành phố. Đầu tiên, hạ tầng các tuyến vành đai, cao tốc, trung tâm logistics chậm triển khai khiến chuỗi cung ứng thiếu liền mạch.

TS. Nguyễn Thanh Trọng, Đại học Quốc tế Miền Đông, nói việc thiếu đồng bộ trong kết nối cảng - khu công nghiệp đang làm tăng chi phí logistics. Chỉ khoảng 15% hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Bà Rịa - Vũng Tàu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa hoặc đường sắt, còn lại phụ thuộc vào đường bộ.

Ông Trương Minh Huy Vũ khuyến nghị ưu tiên hoàn thiện Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là các tuyến then chốt kết nối trực tiếp các khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu - phát triển, cảng biển quốc tế (Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải) và các ICD nội vùng. "Việc rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa sẽ góp phần giảm chi phí logistics, vốn đang chiếm từ 16-20% giá thành", ông nêu.

Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và trình độ lao động. Ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Bình Dương (Basi), cho biết nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc phụ tùng, linh kiện, vật liệu nhập khẩu.

Theo ông, cần hỗ trợ phát triển ngành vật liệu cơ bản, khuyến khích doanh nghiệp lớn nội địa dẫn dắt chuỗi cung ứng, dành nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp công nghiệp hỗ trợ, phát triển trung tâm kiểm định chất lượng chuẩn quốc tế.

Thứ ba là vấn đề nhân lực. Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp Hội Dệt may Thời trang TP HCM, nói các doanh nghiệp trong ngành có dây chuyền số hóa, đơn hàng nhưng lại thiếu nhân sự phù hợp. "Chúng ta không thiếu lao động mà thiếu người vận hành máy móc tự động, xử lý dữ liệu sản xuất, kiểm soát chất lượng theo chuẩn quốc tế", ông nói.

dji-0714-1752743009-4597-1752743034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=I9iI8n-tS5igy7hlix6Fvw

Khu công nghiệp VSIP tại Bình Dương cũ tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo HIDS, trong bối cảnh chuyển đổi sang công nghiệp số và công nghệ cao, TP HCM cần xây dựng hệ thống đào tạo kỹ thuật tiên tiến, gắn kết chặt chẽ giữa các trường đại học - cao đẳng nghề - doanh nghiệp - khu công nghiệp. Giải pháp trọng tâm là xây dựng mạng lưới đào tạo với các trung tâm nghề công nghệ cao; mở rộng đào tạo các ngành kỹ thuật tự động hóa, thiết kế công nghiệp, điều khiển số, logistics thông minh, năng lượng sạch.

Ngoài ra, công nghiệp xanh và tuần hoàn đang là xu hướng toàn cầu, gắn với các cam kết Net Zero 2050. Các chuyên gia cho rằng TP HCM nên tiên phong phát triển công nghiệp mới, trong đó hiệu quả sản xuất gắn liền với trách nhiệm môi trường và số hóa toàn diện quy trình.

Ông Park Hee Sung, đại diện công ty Kumho Tire Việt Nam, nói ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đang trở thành một tiêu chuẩn bắt buộc hoặc được khuyến nghị mạnh mẽ. "Chúng tôi mong muốn có thêm chính sách ưu đãi giúp doanh nghiệp chủ động đầu tư vào ESG, như ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn đầu tư, và đào tạo nhân lực & công nghệ chuyên môn về ESG", ông đề xuất.

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, TP HCM cần sớm ban hành quy định tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái; kết hợp chính sách xanh và số như áp dụng tiêu chuẩn ESG trong xét duyệt đầu tư; ưu tiên vốn, đất, tài chính cho các doanh nghiệp thực hành xanh, sạch và thông minh.

Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng ban Hepza, cho biết giai đoạn 2025 - 2030, các khu chế xuất và khu công nghiệp TP HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 20 tỷ đến 21 tỷ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8 triệu đến 10 triệu USD mỗi ha.

Địa phương tập trung thu hút 4 ngành công nghiệp chủ lực, có hàm lượng công nghệ cao, giá trị tăng trưởng lớn và thân thiện; các ngành công nghiệp tiềm năng và mới, có tính chiến lược như: điện tử - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn, chuỗi khối, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghiệp môi trường.

"Hướng đến phát triển bền vững, chúng tôi đang triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó đặc biệt là chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước sang mô hình sinh thái", ông nói.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022