Hà Nội giãn cách xã hội, chị Thu - nhân viên một công ty truyền thông được làm việc ở nhà. Giải pháp chị chọn để hạn chế ra ngoài, là đặt mua hàng online trên chợ cư dân.
"Giờ tôi chẳng phải đi đâu, lên chợ chung cư đặt rồi mọi người ship tới tận nhà. Hàng sẽ được treo ở cửa kèm thông tin chuyển khoản", chị cho biết.
Người bán hàng treo đồ ở tay cầm cửa ra vào rồi bấm chuông. Tiền sẽ được chị Thu chuyển khoản theo thông tin được ghi trên phiếu mua hàng. Mô hình này đang trở nên phổ biến ở các khu chung cư Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tuy vậy không phải lúc nào mua hàng trên chợ cư dân cũng đem lại trải nghiệm vui vẻ cho người mua. Coi chợ cư dân là trợ thủ đắc lực vì sự tiện lợi, nhưng không ít lần vì tin tưởng, không kiểm tra hàng ngay khi nhận, món hàng chị Thu nhận được không đảm bảo chất lượng như mong đợt. Sau vài lần rút kinh nghiệm chị chỉ đặt mua hàng từ một số shop quen với chất lượng đã được các cư dân khác trong khu kiểm chứng.
Từ dầu ăn, mắm muối, tới thực phẩm, gạo, rau... món gì cũng có đủ trên nhóm chợ cư dân với hơn 2.000 thành viên. Mùa dịch, khu chợ này hoạt động càng "năng suất" khi mọi người đều hạn chế ra ngoài.
Giá thực phẩm, rau xanh trên chợ online "nhỉnh" hơn chợ truyền thống, nhưng chị Thu chấp nhận vì "không phải ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh". "Hàng dù treo ở cửa nhưng khi nhận tôi vẫn cẩn thận xịt khử khuẩn, trừ đồ ăn, để đảm bảo an toàn", chị cho hay.
Với lợi thế lượng khách ổn định, giá cả ổn định, miễn phí ship..., chợ online tại các khu chung cư vẫn nhộn nhịp, đắt khách. Nhiều người lúc đầu chỉ buôn bán cho vui, nhưng dần dần bán hàng trên các chợ cư dân lại trở thành nguồn thu nhập chính, khi công việc chính của họ bị ảnh hưởng bởi dịch.
Đồ ăn vặt được rao bán trên chợ cư dân ở quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh chụp màn hình
Thái - giáo viên mầm non tại quận Hà Đông (Hà Nội) chọn cách duy trì thu nhập bằng cách bán thực phẩm trên chợ khu chung cư đang sống. Trường mầm non nơi chị làm việc buộc tạm đóng cửa vì dịch.
Quê ở huyện Thanh Oai, cách Hà Nội hơn 20 km, nên chị thường gom đơn trên chợ cư dân, rồi tính toán lượng thịt và đặt mổ heo ở quê. "Nguồn gốc thịt mình mua ở quê rõ ràng, thịt nuôi dân dã, thịt thơm ngọt, nên được mọi người trong khu dân cư rất ủng hộ", chị Thái nói. Trung bình mỗi tuần chị gom mua 2-3 đợt, gồm thịt heo, thịt gà, vịt, rau xanh... "Nhiều hôm vừa đăng gom mua tầm 30 phút, tôi đã nhận được 50 kg đơn hàng thịt heo các loại", chị khoe. Thường chị đóng túi 0,5-1 kg, khuyến khích mọi người mua theo combo để thuận tiện lên đơn, ship hàng.
Từ đợt Hà Nội siết giãn cách xã hội, hàng lấy từ quê ra khó khăn hơn do kiểm soát dịch gắt gao, giá vận chuyển cũng tăng, nhưng chị Thái nói "chỉ lấy công làm lãi" vì khách hàng hầu hết là những người quen, cư dân trong toà nhà.
Tham gia buôn bán ở chợ cư dân hơn một năm nay, chị Ngọc (Kiến Hưng, Hà Đông) lại chọn kinh doanh đồ ăn chế biến sẵn. Đợt dịch này làm việc tại nhà, chị có thêm nhiều thời gian chế biến các món "tủ", bán trên chợ cư dân. Giò lụa, giò tai, chả nem, dưa muối... là những món ăn "hút" khách, lần nào đăng bài bán cũng nhận ngót vài chục đơn trong "một nốt nhạc".
"Hôm qua ngày rằm tháng 7, tôi bán được gần 300 chiếc chả nem. Nhà có mình tôi làm nên cũng hơi đuối, nhưng vui vì được mọi người, nhất là hàng xóm khen ngon, ủng hộ", chị kể.
Bán trên chợ cư dân hơn nửa năm nay, bà Nga - một cán bộ về hưu gọi gian hàng trên chợ của mình là "cửa hàng tạp hoá mini" với các mặt hàng đặc sản vùng cao như gạo Điện Biên, miến, trái cây vùng cao theo mùa. Trước dịch mỗi ngày bà Nga nhận túc tắc khoảng chục đơn, nhưng khi thành phố giãn cách xã hội lượng đơn mua hàng tăng gấp ba. Bận hơn, vất vả hơn nhưng bà thấy vui vì hàng về tới đâu bán hết tới đó.
Anh Quang, quản trị chợ cư dân một chung cư ở Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy cho biết, chợ cư dân phục vụ mua, bán các nhu yếu phẩm, sản phẩm cho cư dân toà nhà, nhưng cũng có nội quy riêng để tiện quản lý, đảm bảo công khai, tránh tranh chấp không đáng có giữa người mua - bán. Theo đó, mỗi hộ được phép tạo một gian hàng (shop) trên chợ và nêu rõ các mặt hàng kinh doanh, địa chỉ, điện thoại liên hệ... thuận tiện trong giao dịch mua, bán.
"Là chợ cư dân nhưng chúng tôi cũng khuyến khích mọi người kinh doanh buôn bán cạnh tranh lành mạnh, không dùng thủ thuật hạ uy tín, tranh giành khách... Trường hợp bị phát hiện vi phạm nội quy sẽ bị xoá khỏi chợ", anh Quang chia sẻ.
Hơn 4 năm làm quản trị chợ cư dân, anh cho hay, tỷ lệ buộc phải xoá bài của các shop bán hàng, hay phải giải quyết tranh chấp giữa người mua - bán rất ít vì mọi người đều chấp hành nội quy và tôn trọng khách hàng. Mùa dịch này ban quản trị chợ cư dân cũng bổ sung thêm quy định, mọi giao dịch thanh toán đều qua hình thức trực tuyến, chuyển khoản, không thanh toán bằng tiền mặt và khi giao hàng không tiếp xúc... tránh nguy cơ lây nhiễm.
Anh Minh