Ngọc, 27 tuổi, đã tự cách ly 3 ngày liên tiếp vì không chắc mình có phải là F1 hay không. Cửa hàng VinMart - nơi cô đến mua thực phẩm hai ngày một lần - nằm trong danh sách các điểm bán liên quan đến ổ dịch công ty thực phẩm Thanh Nga.

"Tôi đã nghĩ mình luôn an toàn cho đến khi thấy dây được giăng đầy trước cửa hàng. Điều đó khiến tôi rất lo lắng khi đi mua thực phẩm", cô nói và cho biết, nếu những nhân viên bán lẻ được tiêm vaccine đầy đủ, bản thân những khách hàng như cô sẽ cảm thấy ít rủi ro hơn.

vinmart-van-quan-jpeg-3309-162-4712-6129-1628324297.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=--7V5KbjTGiNImghsGiQLA

Siêu thị VinMart Văn Quán (Hà Đông) bị phong toả sáng 2/8. Ảnh: Minh Anh.

Liên quan các ca nhiễm của nhà cung cấp thực phẩm Thanh Nga đầu tháng 8, có gần 40 điểm bán VinMart và Vimart+ phải đóng cửa. Sau sự cố này, tập đoàn Masan (đơn vị vận hành chuỗi VinMart và Vimart+) tiếp tục kiến nghị lần hai sớm tiêm vaccine cho nhân viên siêu thị. Bản thân doanh nghiệp này, gần 1 tháng trước, từng gửi công văn đến Thủ tướng, Bộ Y tế, đã đề cập cần ưu tiên phân bổ vaccine cho nhóm lao động ngành bán lẻ.

Vấn đề tiêm vaccine cho người lao động tại cơ sở bán lẻ đã được nhắc đến chính thức lần đầu tiên hồi tháng 6, trong văn bản Bộ Công Thương gửi Chính phủ. Cơ quan này nhấn mạnh, người lao động trong ngành này (bao gồm siêu thị, chợ truyền thống...) cần được đưa vào diện tiêm gấp do nguy cơ lây nhiễm cao.

Họ là nhóm người hàng ngày tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng, đồng thời, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh. Bộ Công Thương đã đề nghị ngành y tế hỗ trợ tìm nguồn vaccine, hướng dẫn thủ tục nhập khẩu và tổ chức tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ có nhu cầu, bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp.

Theo ông Phùng Đức Tùng, chuyên gia kinh tế, việc ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm bán lẻ là điều đương nhiên do đặc tính nghề nghiệp, họ có thể trở thành đối tượng phát tán virus lớn nếu không may bị nhiễm bệnh.

Dù vậy, khảo sát của VnExpress cho thấy, số lượng người được tiêm trong chuỗi các hệ thống bán lẻ vẫn còn khiêm tốn.

Đơn cử, chỉ 30% cán bộ nhân viên của Công ty bán lẻ BRG Mart được tiêm 1 mũi. Tỷ lệ cán bộ, nhân viên được tiêm ở Masan là 16%; của chuỗi Bách Hoá Xanh là 21%; của chuỗi MM Mega Market là hơn 30%, tuy nhiên, toàn bộ nhân viên tại chi nhánh Hà Nội chưa được tiêm.

Với siêu thị Co.opmart Hà Nội, khoảng 30% số nhân viên của hai siêu thị Co.opmart Hà Nội và Co.opmart Hà Đông được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội nhấn mạnh, dù tuân thủ các quy định 5K nghiêm ngặt đến đâu, rủi ro cho nhân viên bán lẻ vẫn rất lớn, nếu không được tiêm vaccine. Trước đó, một siêu thị của chuỗi này đã phải tạm ngừng hoạt động trong 3 ngày do có một khách hàng là F0 đến siêu thị mua sắm.

"Đội ngũ nhân viên siêu thị, nhất là thu ngân, bảo vệ, nhân viên ngành hàng... càng được tiêm sớm ngày nào, sẽ bảo vệ được siêu thị, khách hàng trước nguy cơ lây nhiễm ngày đó", bà nói. Co.opmart đã gửi các đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền nhưng phần lớn, họ nhận được phản hồi là vaccine chưa có hoặc tạm hết, phải chờ. Các doanh nghiệp khác cũng cho biết, tiếp tục chờ để được tiêm. Trong lúc đó, họ sẽ cố gắng hết sức để không xảy ra sự cố cũng như lên kịch bản nếu F0 xâm nhập.

Nhưng bán lẻ chỉ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng, bên cạnh hai khâu chính là sản xuất và vận chuyển hàng hoá. Để bảo vệ được toàn chuỗi cung ứng, việc cắt lẻ, tiêm vaccine cho từng phần của chuỗi sẽ không thể nào đóng được tấm chắn dịch bệnh. Chỉ cần một mắt xích nào yếu - ở đây là không được bảo vệ bởi vaccine - nó có thể đứt gãy chuỗi.

cho-Long-Bien-jpeg-3794-162816-3404-7886-1628324298.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TFxRARabf4UDSTWjy9_iOw

Chợ Long Biên trước thời điểm bị phong toả, tạm đóng do có các ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Giang Huy.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam nhận xét, những người tham gia dọc chuỗi logistics là tuyến đầu phát triển kinh tế, phải được ưu tiên tiêm sớm. Điều này hàm nghĩa, không thể bỏ quên bất cứ ai từ người lái xe, nhân viên bốc dỡ, đóng gói, hải quan, đến giao nhận, nhân viên bán lẻ...

"Chúng ta thường điều chỉnh theo mỗi khi các doanh nghiệp, hiệp hội kêu ở một khâu nào đó. Đầu tiên là sản xuất, gần đây là lái xe, shipper, đến giờ là nhóm bán lẻ khi xảy ra sự cố", ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công nhìn nhận.

Ví dụ, sau nhiều đề xuất, đến ngày 5/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế xem xét kiến nghị của các bộ về ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lái xe, người tham gia vận chuyển hàng hoá (shipper), và hướng dẫn các địa phương thực hiện. Trong khi đó, vaccine cho bán lẻ được đề nghị đến khi xảy ra các sự cố cũng có gần 2 tháng chờ đợi.

Để chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu thực sự được bảo vệ, không đứt gãy, vaccine cần được phân bổ theo chiều dọc, nhằm tạo hiệu ứng tổng quát, theo ông Đồng.

Ông Phùng Đức Tùng cũng nhận xét, hiện phân bổ vaccine chú trọng theo tỉnh, các nơi bị tác động lớn nhất như TP HCM, Hà Nội, và các tỉnh đang và có rủi ro lây nhiễm cao mà chưa quan tâm đến những đối tượng có nguy cơ bị nhiễm bệnh lớn và đóng vai trò quan trọng trong duy trì hệ thống vận hành hàng hoá, đặc biệt là đồ thiết yếu. "Đây là một điểm cần phải chú ý, nhằm tạo ra tối ưu hoá hiệu quả phân bổ vaccine", ông Tùng lưu ý.

Tại cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, vấn đề vaccine tiếp tục được các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đặt ra. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho mọi người, điều chỉnh các đối tượng, địa bàn ưu tiên cho phù hợp với thực tế. Ông lưu ý: Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam sẽ bằng nhiều kênh khác nhau để có được vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể; và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Trong lúc chờ đợi vaccine được bổ sung, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị này đề xuất nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ, chủ động xét nghiệm và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế. Theo ông, đây là chính sách mang tính chiến lược cho cả trước mắt và dài hạn.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, để chuỗi cung ứng không bị gián đoạn cần đảm bảo dòng chảy lưu thông hàng hoá là rất quan trọng. Việc tổ chức "luồng xanh" vận tải hàng hoá do đó phải trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất thông qua ứng dụng công nghệ kiểm soát điều kiện đi lại cho phương tiện, người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thêm sự hỗ trợ về dòng tiền như các loại thuế, phí, hỗ trợ khoanh nợ, giảm lãi suất...

Đức Minh - Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022